Năm nguyên tắc quy nạp giúp tìm nguyên nhân trong quan hệ nhân–
quả được xây dựng dựa trên giả thiết cho rằng, những cái có thể trở
thành nguyên nhân đứng độc lập, không tương tác với nhau và kết quả
không ảnh hưởng ngược trở lại nguyên nhân. Chúng chỉ phát huy khả
năng của mình, khi được sử dụng, nghiên cứu các hệ thống cô lập
(đóng kín), ở đó các yếu tố tạo nên hệ thống phân biệt được một cách
rõ ràng và không ảnh hưởng lẫn nhau. Lúc này, người ta có thể tách ra
được những cái khác nhau có thể trở thành nguyên nhân như A, B, C...
và xác định cái nào trong số đó là nguyên nhân. Điều này cũng có
nghĩa, người ta bỏ qua các khả năng tương tác kiểu AB, BC, AC... có
thể dẫn đến những thay đổi về chất không được tính đến. Nói cách
khác, trong suy luận quy nạp tìm nguyên nhân, cũng như suy luận quy
nạp nói chung, giá trị đúng của các kết luận thu được mang tính xác
suất nhất định và có nguy cơ bỏ sót nhiều thông số. Do vậy, người sử
dụng cần chú ý đến phạm vi áp dụng của chúng. Chương 10: Tư duy hệ
thống sẽ đề cập những loại quan hệ nhân–quả phức tạp hơn mà lôgích
hình thức còn chưa phản ánh.
8.5.4. Quan hệ giữa suy luận diễn dịch và suy luận
quy nạp
Ngay từ đầu, nhân loại chưa có những tri thức mang tính khái quát
chung. Những hiểu biết ban đầu là những hiểu biết cụ thể về các hiện
tượng đơn nhất riêng lẻ, chủ yếu có được nhờ quan sát. Đối với các
hiện tượng hay lặp đi, lặp lại, con người bằng suy luận, đi đến những
kết luận chung hơn. Ví dụ, hôm qua, hôm kia, hôm kìa..., thấy Mặt Trời
mọc ở phía đông, lặn ở phía tây, người ta kết luận “Hàng ngày Mặt
Trời luôn mọc ở phía đông, lặn ở phía tây”. Trên thực tế, cách suy luận
này chính là suy luận quy nạp không hoàn toàn. Kết luận “Hàng ngày
Mặt Trời luôn mọc ở phía đông, lặn ở phía tây”, sau đó được thực tiễn