“Ngoài kia đang mưa. Nếu mình ra ngoài, mình sẽ bị ướt. Ướt, mình có
thể bị cảm... Nếu mình mặc áo mưa đi ra ngoài, mình sẽ không bị ướt. Mình
có kế hoạch phải ra ngoài. Mình không muốn bị ướt và nhận các hệ quả xấu
do bị ướt. Cho nên, nếu mình mặc áo mưa, mình sẽ không bị ướt. Vậy, mình
phải mang áo mưa theo”. Trên thực tế, suy nghĩ của bạn có thể xảy ra rất
nhanh ở mức tiềm thức, còn ở mức ý thức chỉ có hai câu: “Ngoài kia đang
mưa. Tôi phải mang áo mưa theo”.
Trong những trường hợp phức tạp hơn, công việc “phiên dịch” từ ngôn
ngữ đời sống hàng ngày sang ngôn ngữ lôgích không phải dễ dàng. Tuy vậy,
nếu bạn muốn đánh giá suy nghĩ của chính mình hoặc suy nghĩ của người
khác đã đúng về mặt lôgích chưa, bạn cần phải làm công việc “phiên dịch”
đó.
3) Trong mục 1.1. Vai trò của khái niệm của quyển một, người viết có
nhận xét, người học, học bất kỳ môn học nào, thường muốn có được những
kiến thức với phạm vi áp dụng rộng, đồng thời lại dễ sử dụng trong đời
sống, công việc. Để làm điều đó, người viết đã lưu ý, người học cần xây
dựng và sử dụng chiếc cầu nối hai chiều thông suốt từ khái quát đến cụ thể
và ngược lại. Ở đây, người viết cố gắng chi tiết hóa ý nói trên, nhìn theo
quan điểm diễn dịch, quy nạp và quan hệ giữa chúng.
Trong các kiến thức chúng ta được học, có những kiến thức là các quy
luật. Từ mục nhỏ 8.5.4. Quan hệ giữa suy luận diễn dịch và suy luận quy
nạp, chúng ta đã biết, tuy các quy luật là kết quả của quy nạp nghiên cứu
một số (chứ không phải tất cả) hiện tượng riêng lẻ. Nhưng chúng còn được
thực tiễn xác nhận ngược trở lại đối với các kết luận của diễn dịch, thông
qua kiểm chứng các hiện tượng riêng lẻ khác cùng loại, trong khoảng thời
gian rất dài. Nói cách khác, các quy luật có ưu điểm là các kiến thức tin cậy,
do vậy, có sức mạnh to lớn, đem lại nhiều ích lợi, nếu như con người biết sử
dụng tốt các quy luật đó. Các quy luật với các mức độ khái quát khác nhau
có phạm vi áp dụng rộng hơn các kiến thức cụ thể. Thông thường, các quy
luật nào có mức độ khái quát càng cao thì phạm vi áp dụng càng rộng.