Hắn thử các tên tài khoản như guest, system, manager và field service…
Loanh quanh vẫn chỉ là những mánh cũ. Máy tính của Eglin không chịu nổi
chuyện vớ vẩn đó, nên nó đá hắn ra ngoài sau lần thử thứ tư. Tiếp đến, hắn
dò dẫm vào máy tính của Cơ quan Kiểm soát Milnet của châu Âu, và thử lại
lần nữa. Vẫn không có may mắn nào.
Sau khi lần mò 60 máy tính, dù không tiếp cận được máy tính quân sự nào
nhưng hắn vẫn tiếp tục.
Vào lúc 1 giờ 39 phút chiều, hắn đăng nhập vào Trung tâm Hệ thống Bờ
biển Hải quân ở thành phố Panama, Florida khi thử tài khoản “Ingres” với
mật khẩu cũng là “Ingres”.
Phần mềm cơ sở dữ liệu Ingres cho phép tìm kiếm nhanh hàng nghìn hồ sơ
kế toán cho một mục nhập lệnh như, “Hãy cho biết tất cả các chuẩn tinh phát
ra tia X,” hay “Có bao nhiêu tên lửa Tomahawk được triển khai trong hạm
đội Thái Bình Dương?” Phần mềm cơ sở dữ liệu vốn rất hiệu quả, và hệ
thống Ingres là một trong những phần mềm tốt nhất.
Nhưng nó đã bị bán đứng bằng một mật khẩu cửa hậu. Ingres vốn có sẵn
một tài khoản với mật khẩu dễ đoán ngay từ lúc mới được cài đặt. Gã hacker
đã biết điều này. Nhưng Trung tâm Hệ thống Bờ biển Hải quân thì không.
Sau khi đăng nhập, hắn cẩn thận kiểm tra xem có ai đang theo dõi không.
Hắn liệt kê các cấu trúc tập tin và tìm kiếm liên kết đến các mạng gần đó.
Tiếp đến, hắn liệt kê toàn bộ tập tin mật khẩu đã được mã hóa.
Lại thế nữa rồi. Đây là lần thứ ba hay thứ tư tôi thấy hắn sao chép toàn bộ
tập tin mật khẩu vào máy tính của mình. Có gì đó lạ lùng ở đây – các mật
khẩu đều đã được bảo vệ bằng mật mã nên hắn không thể tìm ra được. Vậy
thì tại sao hắn vẫn sao chép tập tin mật khẩu?
Sau một giờ lần mò trong máy tính hải quân, hắn bắt đầu mệt mỏi và quay
sang gõ cửa các máy trên Milnet. Không lâu sau, trò này cũng trở nên nhàm