Tuyệt vời! Vậy là vẫn có những căn cứ quân sự biết mở mắt cảnh giác. 39
trong số 40 địa điểm vẫn say giấc nồng. Nhưng có một số ít quản lý hệ
thống biết cẩn thận phân tích những dấu vết kiểm toán.
Mấy ngày tiếp theo, gã hacker làm tôi bận rộn luôn tay. Hắn liên tục quét
các tập tin SDINET, nên cứ cách vài giờ tôi lại phải bổ sung thêm tài liệu
mới. Tôi muốn làm sao để qua những tập tin này phản ánh một văn phòng
năng động – công việc chất chồng và một cô thư ký nhiều chuyện và bận
rộn, không thực sự biết máy tính của mình hoạt động như thế nào. Chẳng
mấy chốc, mỗi ngày tôi phải bỏ phí mất một giờ để tạo ra những thứ vớ vẩn
này hòng có mồi mớm cho gã hacker.
Zeke Hanson từ Trung tâm An ninh Máy tính Quốc gia cũng xắn tay vào hỗ
trợ tôi bịa ra các tập tin ma này. Thấy tôi lơ mơ về cấp bậc trong quân đội,
anh bèn giảng giải sơ qua.
“Quân đội cũng không có gì khác so với các hệ thống thứ bậc khác. Bên trên
là các sĩ quan chỉ huy, thuộc cấp Tướng. Dưới họ là các thượng tá, ngoại trừ
Hải quân có đại tá. Rồi đến trung tá, thiếu tá, đại úy…”
Ở trường đại học, mọi sự dễ dàng hơn nhiều. Hễ thấy ai đeo cà-vạt thì cứ
“Giáo sư” mà gọi, còn ai để râu quai nón là “Trưởng khoa”. Nếu bí quá
không biết xưng hô sao cho phải thì gọi đại là “Tiến sĩ”.
Vậy là cứ cách vài ngày, gã hacker lại đăng nhập vào hệ thống của tôi và đọc
các tập tin SDINET. Không thấy hắn tỏ ra nghi ngờ về tính hợp lệ của những
thông tin này. Thực ra, không lâu sau, hắn cũng bắt đầu chuyển sang sử
dụng tài khoản SDINET này để đăng nhập vào các máy tính quân sự.
Tại sao lại không kia chứ? Một số tập tin giả này mô tả liên kết mạng vào
các máy tính trên Milnet. Tôi đã cố tình nhồi nhét vào các tài liệu một lô
một lốc biệt ngữ cùng những ngôn từ rỗng tuếch về công nghệ.