Vậy là vào tháng Tám năm 1988, chúng tôi đóng đồ đạc vào hai va ly cho
một năm ở Massachusetts.
Việc chuyển tới Bờ Đông cũng có một vài lợi ích. Địa chỉ mạng máy tính
của tôi thay đổi – cũng là một điều tốt, vì sau khi tôi xuất bản bài báo, một
vài hacker đã thử tìm cách xâm nhập vào. Có kẻ thậm chí còn hăm dọa tôi,
nên tốt nhất là không nên án binh một chỗ. Và các cơ quan gián điệp không
còn gọi điện cho tôi để hỏi xin lời khuyên, ý kiến, tin đồn gì nữa. Bây giờ, ở
Cambridge, tôi có thể tập trung vào thiên văn học, quên đi chuyện an ninh
máy tính và những gã hacker.
Trong hai năm qua, tôi đã trở thành chuyên gia về an ninh máy tính, nhưng
lại không có tiến bộ gì mấy về thiên văn học. Tệ hơn nữa, vật lý học tia X
dùng trong thiên văn học là một ngành hoàn toàn mới mẻ đối với tôi. Bấy
lâu nay tôi chỉ quen với khoa học hành tinh và các hành tinh không phát ra
tia X.
Vậy những nhà thiên văn học tia X nhìn vào đâu? Mặt trời. Các vì sao và
chuẩn tinh. Và những thiên hà nổ tung.
“Những thiên hà nổ tung?” Tôi hỏi Steve Murray, sếp mới của tôi ở Trung
tâm Vật lý Thiên văn. “Thiên hà đâu có nổ tung. Chúng chỉ ở đó trong
đường xoắn ốc thôi mà.”
“Chúa ơi. Kiến thức thiên văn học của anh là từ những năm 1970 rồi,” Steve
trả lời. “Bây giờ chúng ta quan sát những vì sao nổ tung thành những siêu
tân tinh, những đợt bùng nổ tia X từ các sao neutron, thậm chí cả những thứ
rơi vào lỗ đen. Cứ ở lại đây một thời gian, rồi chúng tôi sẽ dạy cho anh biết
thế nào là thiên văn học thứ thiệt.”
Họ không hề nói chơi. Sau một tuần, tôi được thu xếp chỗ làm việc và được
giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu cho những quan sát về tia X. Điện
toán cổ điển, nhưng có những kiến thức vật lý thú vị ở đây. Chà! Đúng là có
lỗ đen ngay giữa các thiên hà. Tôi đã thấy dữ liệu rồi.