vết theo các đường dây đi.” FBI có thể không thèm quan tâm, nhưng các vị
công tố viên của chúng tôi lại rất sốt sắng trước câu chuyện này. Nhưng họ
còn phải thuyết phục thẩm phán nữa. Lệnh lục soát kia ít nhất một tuần nữa
mới về đến tay chúng tôi.
Quá 5 giờ một chút, Dave ghé vào văn phòng tôi và nói về vụ xâm nhập.
“Cliff này, gã hacker không đến từ Berkeley đâu.”
“Làm sao anh biết?”
“Anh thấy hắn gõ lệnh ps -eafg, đúng không?”
“Đúng, bản in đây này,” tôi trả lời. “Đó chỉ là một lệnh Unix bình thường để
liệt kê tất cả các chương trình đang hoạt động – “ps” có nghĩa là print status
(trạng thái in), còn bốn kí tự kia điều chỉnh màn hình hiển thị. Xét ở một góc
độ, chúng giống như những núm điều chỉnh trên máy nghe nhạc vậy – chúng
thay đổi cách vận hành của câu lệnh.”
“Cliff, tôi biết anh quen thuộc với Unix phiên bản Berkeley. Kể từ khi Unix
Berkeley ra đời đến nay, chúng ta gõ ‘ps’ một cách máy móc để kiểm tra
những gì đang diễn ra trong hệ thống. Nhưng anh thử nói tôi nghe xem nào,
bốn kí tự kia điều chỉnh cái gì?”
Dave nắm thóp rằng tôi không biết gì về các lệnh bí ẩn của Unix. Tôi vận
dụng hết những gì mình biết được để đưa ra câu trả lời: “À thì, cờ hiệu e có
nghĩa là liệt kê cả tên chương trình và môi trường, cờ hiệu a liệt kê chương
trình của tất cả mọi người chứ không chỉ liệt kê riêng chương trình của anh.
Như vậy, gã hacker này muốn biết về mọi chương trình đang chạy trong hệ
thống.
“Anh nói đúng một nửa rồi. Vậy còn cờ hiệu g và f để làm gì?”
“Tôi không biết.” Dave dồn tôi đến khi tôi thừa nhận sự ngu dốt của mình.