Gã hacker không nhận ra điều này. Đinh ninh rằng mình đã đặt con ngựa
thành Troy vào đúng đồng cỏ, hắn khởi động nó làm chương trình chạy nền,
và ung dung đăng xuất. Trước khi hắn ngắt kết nối, Ron Vivier đã kịp lần
theo dấu vết hắn qua mạng Tymnet tới một đường dây điện thoại ở Oakland,
California. Lúc này vẫn chưa xin được lệnh của tòa án, nên chúng tôi chưa
thể bắt tay vào cuộc truy lùng theo đường dây điện thoại.
Gã hacker bỏ đi, để lại con ngựa thành Troy làm chương trình chạy nền.
Đúng như Dave dự đoán, nó không thu thập được bất cứ mật khẩu nào vì bị
cài đặt vào nơi không được tham chiếu đến trong quá trình đăng nhập. Dĩ
nhiên, 20 phút sau, gã hacker lại xuất hiện, tìm kiếm bộ sưu tập mật khẩu, và
hẳn là hắn đã vô cùng thất vọng khi thấy chương trình của mình đã thất bại.
“Nhìn kìa, Dave, anh chàng tội nghiệp này đang cần sự giúp đỡ của anh
đấy,” tôi nói.
“Phải rồi. Chúng ta có nên gửi e-mail cho hắn để dạy hắn cách viết một
chương trình con ngựa thành Troy cho ra hồn không nhỉ?” Dave trả lời.
“Thực ra, hắn nắm chắc kiến thức cơ bản đấy – bắt chước trình tự đăng nhập
của chúng ta, hỏi tên người dùng và mật khẩu, sau đó lưu trữ những thông
tin đã đánh cắp được. Tất cả những gì hắn cần bây giờ chỉ là vài bài học về
Unix Berkeley mà thôi.”
Wayne tạt vào đúng lúc gã hacker đang gặp lúng túng. “Ôi chà, thế các vị
mong gì nào? Unix có quá nhiều biến thể. Lần tới, hãy nhón tay làm phúc
cho lũ hacker lóng ngóng kia bằng cách sử dụng hệ điều hành VMS của
Digital. Tuy khó xâm nhập hơn, nhưng chí ít thì nó cũng được chuẩn hóa
rồi. KQSHHCTR.” Kẻ Quan Sát Hời Hợt Cũng Thấy Rõ.
Wayne có một ý hay. Ý định tấn công bằng con ngựa thành Troy của gã
hacker thất bại vì hệ điều hành này khác với hệ điều hành mà hắn quen
thuộc. Nếu mọi người đều sử dụng một phiên bản hệ điều hành giống nhau,
thì một lỗ hổng an ninh sẽ là cánh cửa ngỏ để hacker xâm nhập vào tất cả