“LBL”. Quả nhiên, Sandy được kết nối tới hệ thống máy tính trong phòng
thí nghiệm của chúng tôi.
Có lẽ những thiết bị đầu cuối được sử dụng ở nơi công cộng này có thể lý
giải phần nào cho câu chuyện. Bất kỳ ai cũng có thể sử dụng chúng; họ quay
số của Tymnet ở Oakland; và thư viện này chỉ cách tòa nhà Cory Hall, nơi tụ
tập của các tín đồ Unix Berkeley, khoảng 30m.
Sandy te tái chạy lên Đồi Cardiac để báo với cảnh sát về phát hiện của mình.
Đây là một cách để khỏi phải nhọc công thực hiện một cuộc truy lùng theo
đường dây điện thoại – lần sau, khi gã hacker xuất hiện, chúng tôi chỉ việc
chạy tới thư viện này và tóm lấy hắn. Thậm chí lệnh lục soát của tòa án cũng
không còn cần thiết nữa.
Sandy mướt mải mồ hồi trở về từ đồn cảnh sát và bắt gặp cảnh tôi đang
nghịch trò yo-yo.
“Dừng cái trò ngu ngốc này lại đi, Cliff. Cảnh sát đã đồng ý điều động người
tới trường đại học và bắt giữ tất cả những ai đang sử dụng máy tính ở đó.”
Bấy lâu nay vốn chỉ quen viết vé phạt xe dừng đỗ trái phép và xử lý các
trường hợp cấp cứu y tế, cảnh sát LBL mù tịt về máy tính và khá thận trọng
với các cuộc truy lùng qua điện thoại. Nhưng họ không ngại ngần xông vào
bắt giữ những kẻ xâm nhập trái phép vào máy tính.
“Chẳng phải sẽ tốt hơn sao nếu chúng ta hãy chắc chắn đó đúng là gã hacker
rồi mới ra tay bắt?” Tôi hỏi lại, trong đầu mường tượng cảnh một số cảnh
sát chìm lén theo dõi một máy tính rồi kiên quyết lôi bằng được một thủ thư
tội nghiệp vào xe vì tội dám tìm hiểu các chỉ số Dow Jones.
“Chuyện này dễ mà. Lần tới, khi gã hacker kia xuất hiện, hãy gọi cho tôi.
Tôi sẽ cùng với cảnh sát ập vào thư viện để khám xét màn hình máy tính.
Nếu đó là dữ liệu từ LBL, chúng ta sẽ để cảnh sát làm việc.”