tay bằng khăn ướt, giữa lúc đó Tigers liên tục ghi điểm khiến tôi hết sức
ngỡ ngàng. Căn sướng tít, gõ lấy gõ để cái loa, còn giáo sư thì vỗ tay một
cách vụng về trong khi vẫn nắm chặt chiếc bánh sandwich.
Giáo sư bắt đầu chăm chú theo dõi trận đấu. Ông xuýt xoa, gật gù hoặc
nhíu mày theo từng đường bóng. Đôi lúc, ông nhòm vào hộp cơm của
những người ngồi trước hoặc ngước nhìn lên mảnh trăng treo trên ngọn cây
dương.
Cổ động viên của đội Hanshin ở phía khán đài nhìn ra chốt ba nổi bật hơn
hẳn cổ động viên của đội Hiroshima. Diện tích của màu vàng rộng hơn,
tiếng cổ vũ cũng khỏe khoắn hơn. Sau màn thể hiện của Nakagomi, đội
Hiroshima không còn cơ hội nào nữa, diễn biến của trận đấu khiến các cổ
động viên của họ muốn reo hò cũng chẳng được.
Chỉ với một cú ném làm đối phương đánh hụt của Nakagomi, những tiếng
hoan hô đã dậy lên. Thế rồi khi pha bóng thành bàn, những tiếng hoan hô
bỗng vỡ tung biến thành một cơn lốc bao trùm cầu trường. Lần đầu tiên
trong đời tôi được thấy cảnh tượng ngần ấy con người vui sướng cùng một
lúc. Đến ngay cả giáo sư, một người chỉ có hai trạng thái tình cảm đối với
tôi: hoặc là suy nghĩ hoặc là cáu kỉnh vì bị phá ngang dòng suy nghĩ, cũng
tỏ ra hân hoan. Tôi phải khẳng định rằng, dù bằng cách khá nhẹ nhàng, ông
đã thực sự biến thành một phần của cái cơn lốc hân hoan ấy.
Nhưng cách bày tỏ niềm vui sướng đặc biệt nhất lúc ấy lại thuộc về một fan
hâm mộ của Kameyama, cậu thanh niên đang bám vào hàng rào mắt cáo.
Cậu ta chừng hơn hai mươi tuổi, khoác trang phục thi đấu của Kameyama
bên ngoài bộ đồ bảo hộ lao động, ngang hông đeo một chiếc máy thu thanh,
và nhất là không hề có ý định buông mười ngón tay ra khỏi hàng rào mắt
cáo lấy một phút. Trong lúc đội Hiroshima ném bóng, cậu ta luôn dõi ánh
mắt về phía Kameyama bên cánh trái, thế rồi cậu ta bắt đầu hưng phấn khi
Kameyama mới chỉ xuất hiện ở khu vực chờ và không ngừng gào tên khi
cầu thủ này tiến vào vị trí đánh bóng. Giọng cậu ta lúc như khích lệ, lúc