Giáo sư gật đầu, vẻ như vô cùng thán phục.
Cho dù không hiểu được số điện thoại nhà mình tuyệt vời ở chỗ nào nhưng
tôi cảm nhận được sự ấm áp trong ngữ điệu của ông. ở đó, tôi cảm thấy sự
chừng mực và ngay thẳng, chứ không phải cái lối phô bày kiến thức. Sự ấm
áp ấy đã khiến tôi rơi vào một ảo giáo rằng hay là đã có một số bộ phận đặc
biệt nào đó ẩn chứa trong số điện thoại nhà tôi, và vì sở hữu nó nên tôi
cũng mang một số phận đặc biệt?
Ít lâu sau khi đến làm việc ở nhà giáo sư, tôi nhận ra ông có một thói quen
là bao giờ cũng mượn đến những con số thay cho từ ngữ mỗi lần lúng túng
không biết nói gì. Đó là cách giao tiếp riêng của ông. Những con số giống
như bàn tay phải ông đưa ra cho người đối diện bắt, cũng đồng thời là tấm
áo khoác bảo vệ ông. Một tấm áo khoác dày và nặng tới nỗi chỉ chạm vào
bên ngoài thì sẽ chẳng thể thấy được các đường nét cơ thể ông, và lột nó ra
là việc bất khả kháng với mọi người. Nó là chỗ náu mình của ông.
Những cuộc trò chuyện về số má ở trước hiên nhà vào mỗi buổi sáng cứ lặp
đi lặp lại cho tới khi tôi không còn làm người giúp việc nữa. Đối với giáo
sư, một người mà trí nhớ sẽ bị xoá nhà sau tám mươi phút, tôi luôn là người
giúp việc mới tinh, lần đầu tiên xuất hiện nơi ngưỡng cửa. Và vì thế mà lần
nào giáo sư cũng đối đãi với tôi khách sáo như lần đầu.
Có một việc mà giáo sư không bao giờ bỏ sót mỗi bận hỏi về các con số, ấy
là trao cho chúng tôi một ý nghĩa nào đấy, dẫu là cỡ giày, số điện thoại, hay
mã bưu cục, số đăng ký xe đạp, số nét chữ của tên tôi. Trông ông chẳng có
cái vẻ gì là đang cố sức đi tìm chúng, vậy mà giai thừa với số nguyên tố cứ
tự nhiên tuôn ra từ miệng ông.
Ngay cả đã nhiều lần được giáo sư giảng giải về nguyên lý của giai thừa và
số nguyên tố, tôi vẫn cảm thấy thích thú với những câu hỏi đáp trước hiên
nhà cùng ông, bằng một tâm trạng luôn luôn mới mẻ. Tôi sẽ xác nhận lại
cái sự thật rằng, ngoài mục đích liên lạc, số điện thoại nhà tôi còn có một ý