GIÁO SƯ VÀ CÔNG THỨC TOÁN - Trang 150

Khoảng 4h10 chiều ngày 23, trên quốc lộ 2 thuộc khối 3 thị trấn OO, tài xế
●● (28 tuổi) lái chiếc xe tải hạng nhẹ của hãng vận tải đã lao qua dải phân
cách và đâm thẳng vào chiếc xe bốn chỗ đang lưu thông trên làn đường
ngược chiều do ông ▲▲ (47 tuổi) hiện là giáo sư toán học tại đại học điều
khiển. Ông ▲▲ bị chấn thương nặng vùng đầu. Bà ▼▼ (55 tuổi) ngồi ghế
trước là chị dâu của ông ▲▲ bị gãy chân trái. Tài xế xe tải cũng bị thương
nhẹ ở trán. Cảnh sát cho rằng nguyên nhân của vụ tai nạn là do tài xế xe tải
ngủ gật và đang lấy lời khai của người này…

Tôi gấp tập lưu chiểu lại. Tiếng chống gậy của bà quả phụ hiện lên trong
đầu.

Suốt từ dạo ấy, tôi luôn giữ mẩu giấy nhớ của giáo sư bên mình ngay cả khi
tấm ảnh của Căn đã nhạt màu. Đối với tôi, công thức Euler vừa là trụ đỡ,
vừa là cách ngôn, vừa là bảo bối, vừa là di vật.

Tôi luôn tự hỏi tại sao lúc đó giáo sư lại viết ra công thức ấy. Không quát
tháo, không đập bàn nạt nộ, chỉ với một công thức, giáo sư đã buộc trận cãi
vã của bà quả phụ và tôi phải chấm dứt. Kết quả là tôi lại quay về làm
người giúp việc, mối giao lưu của ông với Căn được khôi phục. Phải chăng
giáo sư đã trù tính sẵn là sẽ làm như thế? Hay chỉ đơn thuần là một hành
động bộc phát vì quá rối trí chứ chẳng có ý gì sâu xa?

Duy có một điều tôi dám chắc: Căn là mối lo lắng lớn nhất của giáo sư.
Ông e sợ trận đôi co giữa những người đàn bà chúng tôi vì ông sẽ khiến
thằng bé phải nghĩ ngợi. Bởi vậy, ông đã cứu Căn thoát khỏi tình cảnh ấy
theo cái cách độc nhất vô nhị của riêng ông và chỉ mình ông mới làm được.

Bây giờ ngẫm lại, tôi không biết nói sao về lòng yêu thương thuần khiết mà
giáo sư dành cho con trẻ. Đó là một sự thật vĩnh hằng và bất biến như công
thức Euler.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.