Chắc là vì đã từng có một sự tĩnh mịch nào đó tôi chưa bao giờ nếm trải.
Nó không đơn thuần là sự thiếu vắng âm thanh. Sự tĩnh lặng ấy lấp đầy tâm
hồn giáo sư mỗi khi ông ngao du trong từng khu rừng số học, tích tụ, hết
lớp này đến lớp khác và chẳng một sợi tóc rụng hay một loại mốc meo nào
đó có thể xâm phạm được. Đó là sự tĩnh lặng trong suốt, như mặt nước hồ
ẩn mình nơi rừng thẳm.
Mặc dù không gây cảm giác khó chịu, song nếu được hỏi với tư cách một
người giúp việc rằng căn phòng ấy có đáng chú ý hay không thì tôi bắt
buộc phải lắc đầu. Tôi chẳng tìm thấy bất cứ thứ gì khả dĩ có thể khơi gợi
trí tưởng tượng, hay đem lại chút thú vui nhỏ nhặt cho một người giúp việc,
ví như dăm ba đồ vật con con ngộ nghĩnh kể về tiểu sử của gia chủ, vài ba
bức hình đầy bí ẩn, hoặc đôi ba thứ đồ trang trí khiến người ta phải nén
tiếng thở dài.
Tôi phủi bụi trên kệ sách. “Lý thuyết nhóm”, “Lý thuyết số đại số”, “Khảo
cứu lý thuyết số”,… Chevalley, Hamilton, Turing, Hardy, Baker(1)… Thật
lạ là nhiều sách như thế nhưng chẳng có cuốn nào khiến tôi cảm thấy muốn
đọc. Một nửa trong số chúng bằng tiếng nước ngoài, tôi thậm chí còn
không đọc được gáy sách viết gì. Trên bàn, vở chất ngồn ngộn, vài ba cây
bút chì 4B mòn vẹt cùng ít ghim kẹp nằm vương vãi. Thật là tan khoang,
tới nỗi chẳng ai dám nghĩ cái bàn ấy lại là nơi lao động trí óc. Duy chỉ có
đám bụi tẩy ít ỏi là còn chứng minh được rằng, ít ra thì cho đến hôm qua
giáo sư vẫn làm việc.
Nhà toán học gì mà không có lấy một cây com pa đắt tiền hay một chiếc
thước kẻ với nhiều chi tiết phức tạp hiếm khi thấy bán trong các tiệm văn
phòng phẩm thông thường? Vừa nghĩ tôi vừa phủi bụi tẩy, sắp xếp lại
chồng vở, thu gọn mớ ghim kẹp vào một chỗ. Chiếc ghế bọc vải bạt lõm
xuống thành hình cái mông.
- Sinh nhật cô là ngày nào?