Giáo sư nói. Ông thậm chí không hỏi gì về các con số như vẫn thường lặp
đi lặp lại hàng sáng với tôi.
Bối rối trước cử chỉ tiếp đón bất ngờ, thằng bé cứng đờ, duy chỉ có khoé
môi là hơi mỉm cười, nó cố gắng đáp lại thịnh tình của giáo sư theo cách
riêng của mình. Sau đó, giáo sư nhấc chiếc mũ thằng bé đang đội lên (chiếc
mũ có biểu tượng của đội bóng Tigers), xoa đầu và đặt cho nó một cái biệt
danh tương xứng trước khi kịp biết tên thật của thằng bé.
- Cháu là Căn. Căn là một ký hiệu toán học rất khoan dung, nó sẵn sàng thu
nạp mọi con số vào lòng mình không chút đắn đo.
Thế rồi không chần chừ, giáo sư liền viết tiếp cái ký hiệu đó vào mẩu giấy
trên măng sét áo.
“Cô giúp việc mới, và con trai 10 tuổi: ”
Đã có lần tôi thử làm hai tấm thẻ tên cho tôi và con trai để giáo sư bớt phụ
thuộc vào những mẩu giấy nhớ. Vì tôi nghĩ nếu chúng tôi cũng đeo những
tấm thẻ cho biết chúng tôi là ai, thì tôi, con trai tôi và giáo sư sẽ tránh được
những tình huống khó xử không cần thiết. Tôi bắt con hễ ra khỏi cổng
trường là phải thay thẻ học sinh bằng tấm thẻ có ký hiệu . Đó là một tấm
thẻ điệu đàng và dễ nhìn ngay cả khi giáo sư lơ đãng nhất. Tuy nhiên,
không có chuyển biến nào như mong đợi của tôi. Đối với giáo sư, tôi vẫn
luôn là vị khách mà giáo sư sẽ chìa bàn tay phải – bàn tay của những con số
- ra bắt, còn con trai tôi lúc nào cũng là vị khách đáng được ôm vào lòng.
Chẳng mấy chốc, con trai tôi không còn bỡ ngỡ với cách nghênh đón đặc
biệt của giáo sư và bắt đầu tỏ ra vui sướng về điều đó. Nó tự mình bỏ chiếc
mũ đang đội xuống, kiêu hãnh đưa cái đầu bẹt gí ra hòng chứng tỏ rằng
mình xứng đáng thế nào với cái tên Căn. Giáo sư tuyệt đối không bao giờ
quên ca tụng sự vĩ đại của căn bậc hai sau những lời chào đón.