Giáo sư vừa vắt chanh vào món gà rán bỏ riêng món đậu đũa nấu kèm ra
vừa hỏi Căn đủ thứ chuyện. Ông không ngần ngại hỏi cả những quá khứ lẫn
tương lai. Tôi biết ông đang cố gắng tạo ra bầu không khí thoải mái nơi bàn
ăn. Ông luôn tỏ ra lắng nghe một cách nhiệt tình dù cho câu trả lời của Căn
có cộc lốc đến đâu. Chính nhờ vậy mà chúng tôi, một cựu giáo sư toán học
sắp bước sang tuổi già, một người mẹ độc thân gần ba mươi tuổi làm nghề
giúp việc và một cậu bé học tiểu học, không rơi vào những tình huống im
lặng đến khó xử trong một bữa tối có ba người.
Tuy nhiên, giáo sư làm thế không phải chỉ đơn giản để lấy lòng con trẻ. Hễ
Căn xử sự không đúng mực như chống cùi tay lên mặt bàn, khua bát là giáo
sư nhắc nhở ngay (mặc dù ngày thường giáo sư toàn làm vậy).
- Cháu phải ăn thật nhiều vào. Ăn ngoan chóng lớn là nhiệm vụ của trẻ con.
- Ở lớp, cháu là đứa thấp nhất đấy ạ.
- Không việc gì phải lo. Bây giờ đang là lúc tích luỹ năng lượng, khi nào
nguồn năng lượng ấy được giải phóng, cháu sẽ lớn nhanh như thổi. Rồi
cháu còn nghe thấy cả tiếng xương dài ra kêu lên ken két ấy chứ.
- Ngày xưa giáo sư cũng như thế phải không ạ?
- Không, đáng tiếc là bác đã lãng phí năng lượng vào việc khác.
- Việc gì ạ?
- Bác có một người bạn rất thân, nhưng vì một lý do riêng, bác không thể
chơi những trò chơi vận động như ném ống bơ hay đánh bóng chày cùng
cậu ta được.
- Bạn giáo sư bị bệnh hay sao?