- Công việc của giáo sư là phát hiện ra những mối quan hệ ấy, phải không
ạ?
- Đúng, là phát hiện chứ không phải phát minh. Tôi khai quật những định lý
đã tồn tại ở đó từ trước khi tôi ra đời rất rất lâu mà không ai biết đến. Giống
như việc chép lại từng dòng những chân lý chỉ có trong cuốn sổ của
Thượng đế. Không ai biết cuốn sổ ấy ở đâu và khi nào thì nó mở ra.
Nói đến đoạn “những định lý đã tồn tại ở đó”, giáo sư liền chỉ tay vào cái
điểm trên không trung mà những lúc “suy nghĩ” ông thường nhìn đăm đăm
vào đó.
- Ví dụ, hồi du học ở Cambridge, tôi nghiên cứu phỏng đoán Artin về các
tam thức hệ số nguyên. Thế rồi, dựa trên ý tưởng phương pháp vòng tròn,
tôi thử vận dụng hình học giải tích, lý thuyết đại số, xấp xỉ diophantine…
nhằm tìm ra tam thức chưa có trong phỏng đoán Artin… và rốt cuộc thì tôi
đã chứng minh được một dạng nhờ áp dụng điều kiện đặc biệt…
Giáo sư nhặt một cành cây nhỏ rơi dưới ghế đá rồi vẽ cái gì đó trên mặt đất.
Ngoài cách gọi “cái gì đó”, tôi chẳng biết diễn đạt thế nào khác. Ở đó có
các con số, chữ cái và các ký hiệu bí ẩn, chúng nối đuôi nhau thành một
dãy liên tục. Tôi không hiểu ý nghĩa của bất cứ một tiếng nào đang phát ra
từ miệng ông, song tôi hiểu ở đó có một con đường và ông đang băng băng
tiến về phía trước. Đầy vẻ đĩnh đạc và uy nghiêm. Sự căng thẳng trong tiệm
cắt tóc đã biến đâu mất. Cành cây khô không ngừng khắc lên mặt đất ý chí
của ông. Tự lúc nào, một tấm đăng ten được dệt nên bởi những công thức
toán đã trải rộng dưới chân chúng tôi.
Khi cành cây thôi chuyển động và sự im lặng trở lại, tôi buột miệng nói ra
một câu mà chính mình cũng không ngờ tới.
- Sẽ không phiền nếu tôi nói với giáo sư một phát hiện của mình chứ ạ?