- Đúng rồi, một phát hiện rất khá. Đó là các cặp số nguyên tố sinh đôi.
Tại sao những từ ngữ bình thường lại trở nên lãng mạn đến vậy trong toán
học, tôi tự hỏi. Dù là cặp số tình bạn hay số nguyên tố sinh đôi, ngoài sự
chính xác, những từ ấy còn mang trong mình vẻ e ấp tựa như một tứ thơ.
Tôi có thể hình dung ra chúng đang khoác vai nhau hoặc kết tay nhau trong
những trang phục cùng kiểu một cách sống động.
- Cấp số càng lớn, các số nguyên tố càng thưa thớt, và các cặp số nguyên tố
sinh đôi càng hiếm. Cặp số nguyên tố sinh đôi có nhiều vô hạn như số
nguyên tố không thì người ta chưa biết.
Vừa khoanh tròn các cặp số nguyên tố sinh đôi, giáo sư vừa giải thích. Một
điều lạ nữa trong các bài giảng của giáo sư là ông không bao giờ đắn đo khi
nói không biết. Không biết không phải cái gì đáng xấu hổ, mà là cột cây số
trên con đường đi tìm chân lý mới. Với ông, giảng giải về những chân lý
chưa được khám phá cũng quan trọng hệt như giảng giải về một định lý đã
được chứng minh vậy.
- Các con số có nhiều vô hạn thì chắc chắn các cặp sinh đôi cũng được tạo
ra vô hạn chứ.
- Phải rồi. Suy luận của Căn rất hợp lý. Chỉ có điều, khi cấp số vượt qua
100 và lên đến mười nghìn, một triệu, mười triệu thì ta sẽ lạc dần vào một
vùng sa mạc không có số nguyên tố.
- Sa mạc?
- À, nghĩa là càng đi thì bóng dáng của chúng càng mất hút. Trông ra chỉ
thấy mênh mông là cát. Ở đó, mặt trời điên cuồng thiêu đốt. Cổ họng ta khô
đi, mắt ta mờ đi, đầu óc ta mụ mị. Thế rồi, nhìn kìa, có một số nguyên tố, ta
vội đuổi theo, nhưng lại gần thì ôi thôi hóa ra là ảo ảnh sa mạc. Thứ ta tóm
được trong tay chỉ là gió nóng. Nhưng ta vẫn từng bước tiến lên, không bỏ