- Đó là một con số cực kì ý nhị. Nó không xuất hiện ở những nơi dễ nhận
thấy, nhưng lại thực sự tồn tại trong trái tim của mỗi chúng ta và nâng đỡ
thế giới bằng đôi bàn tay nhỏ bé của mình.
Chúng tôi lặng thinh, để mặc cho tâm tưởng mình cuốn theo đôi bàn tay
đang dang rộng, theo như lời giáo sư, của căn bậc hai âm 1 ở một chốn xa
xôi vô định. Chỉ có tiếng mưa rơi. Con trai tôi đưa tay lên đầu mình như thể
để một lần nữa xác nhận lại hình dạng của căn bậc hai.
Tuy vậy, giáo sư không phải bao giờ cũng là người dạy bảo. Ông luôn tỏ ra
khiêm nhường trước những điều mình không biết và cũng ý nhị chẳng kém
gì căn bậc hai âm 1. Lúc gọi tôi, bao giờ giáo sư cũng mở đầu bằng: “Phiền
cô một chút…”
Ngay cả những khi chỉ định nhờ tôi chỉnh hộ cái núm lò nướng sang nấc ba
phút rưỡi, giáo sư cũng không quên thêm vào câu: “Phiền cô một chút…”.
Khi tôi vừa xoay cái núm tới sát nấc yêu cầu, giáo sư sẽ nghển cổ ra và
nhòm mãi vào trong lò cho đến lúc bánh mì chín tới. Ông say sưa ngắm
nhìn chiếc bánh trong lò, cứ như thể định chờ xem cái mệnh đề mà tôi
chứng minh sẽ tiến gần đến chân lý như thế nào, và cứ như thể chân lý ấy
sánh ngang với định lý Pythagoras vậy.
Lần đầu tiên tôi được Nghiệp đoàn Akebono giới thiệu tới nhà giáo sư là
vào tháng Ba năm 1992. Trong số những người giúp việc đăng kí ở nghiệp
đoàn của cái thị trấn bé tẹo trông ra biển Seto ấy, tôi là người trẻ nhất,
nhưng đã có hơn mười năm kinh nghiệm. Trong cả quãng thời gian đó, tôi
luôn làm tốt mọi công việc với đủ loại chủ nhà và cũng rất tự hào về tính
chuyên nghiệp của mình. Ngay cả khi bị trao vào tay những vị khách phiền
phức nhất mà các bạn làm khác chỉ muốn tránh xa, tôi cũng không bao giờ
ta thán nửa lời với ông chủ tịch nghiệp đoàn.
Còn trường hợp của giáo sư, chỉ cần xem qua thẻ quản lý khách hàng là tôi
đoán ngay ra sự đáng gờm của đối thủ. Vì mỗi lần gia chủ phàn nàn và đòi