Hình thức kỷ luật, nếu có, phải hết sức nhẹ nhàng, vấn đề chính là ông
và tôi cần tìm ra nguyên nhân nào khiến cháu phạm những tội lỗi vụn vặt
đó. Mặc cảm tự ti chăng?... Có thể lắm... Trong giờ ra chơi, cháu Sylvia là
đứa không biết vui đùa. Cũng có thể cháu muốn khác người chăng?... Một
cách để tự khẳng định... Dù sao chúng ta cần hết sức thận trọng, chính vì
vậy mà tôi thấy nên gặp ông trước đã, thưa ông Battle... Tôi xin nhắc lại,
chúng ta cần tìm hiểu xem nguyên nhân nào đã dẫn cháu đến hành động
ấy”.
- Bà nói rất đúng, thưa bà Amphrey. Chính vì mục đích ấy mà tôi đến
đây gặp bà.
Viên thanh tra Battle nói bình thản, không một chút xúc động. Mắt
ông không rời bà hiệu trưởng nhằm tạo uy thế đối với bà.
Bà Amphrey nói tiếp:
- Về phần tôi, tôi định sẽ không mắng mỏ gì cháu.
- Cảm ơn bà, thưa bà hiệu trưởng.
- Vì tôi rất hiểu và rất yêu quý các nữ sinh của trường tôi. Nếu vậy...
Bà ngừng nói.
- Nếu bà thấy không trở ngại gì, - Viên thanh tra cảnh sát nói - đề nghị
bà cho tôi gặp cháu.
Bà hiệu trưởng trịnh trọng nhắc lại một lần nữa những đề nghị của bà,
căn dặn ông Battle nên dịu dàng, thận trọng. Không nên nạt nộ con, cần cân
nhắc và rất khéo léo. Viên thanh tra cảnh sát không hề tỏ ra sốt ruột. Ông
bình thản chờ. Tưởng chừng ông không chút nào liên quan đến vụ việc này.
Cuối cùng bà hiệu trưởng quyết định mời ông khách lên phòng giấy
của bà trên tầng hai. Lúc đi trong hành lang, họ gặp một số nữ sinh. Các em
lễ phép nép vào bên tường, đứng thẳng người, nhưng hướng cặp mắt tò mò
nhìn họ. Phòng giấy mang ít tính chất “tuyên ngôn” hơn phòng khách. Đưa
khách vào xong, bà hiệu trưởng định ra để gọi Sylvia, nhưng ông Battle
ngăn bà lại:
- Xin được hỏi bà một câu... Căn cứ vào đâu bà kết luận cháu Sylvia là
thủ phạm những vụ ăn cắp vặt kia?
- Tôi chỉ cần dựa vào các quy luật của khoa tâm lý, thưa ông Battle.