Trước khi giở ra, ông nhìn lên mấy kệ đầy sách. Có đủ thứ chữ: Anh, Pháp,
Đức, Ý. Tường bên kia, sách cổ điển Hy Lạp và La Mã. Đó là những bạn
cố tri của ông. Thỉnh thoảng, ông tự hỏi sao ông không muốn vào giảng tại
Đại học đường. Nhiều bạn ở Iasi và Bucarest đã hai lần mời ông, nhưng
ông đều từ chối chức giáo sư môn Lịch sử Giáo hội. Ông không tiếc. Ở
Fântâna, ông làm lễ mi-xa bữa chúa nhật và mấy ngày lễ; ngoài ra, ông lo
chuyện đất vườn, nuôi ong mật, trồng cây trái. Tối đến, ông đọc sách. Vận
mạng ông bảo đảm tương lai ông. Ông an phận như thế. Có một lần ông
muốn cưỡng vận mạng: chuyện muốn đi Mỹ quốc. Ông hết lòng lo lắng để
đi, nhưng mặc dầu hết sức lo, chuyến đi không thành. Một bất ngờ đã xảy
đến. Thế là hết! Từ đó, ông không toan tính nữa.
Ông tự hỏi: “Có phải thật mình còn tiếc cuộc ra đi ấy cách ba mươi năm
nay chăng? Nếu không, sao mình lại băn khoăn lạ kỳ về chuyện đi của
Moritz?”. Ông kéo mền lên, suy nghĩ: “Mình đã không buồn khi ở lại. Đây
chỉ là lòng nhớ nhung một vật gì mình tưởng là thật trong mộng ảo, nhưng
chẳng khi nào chiếm được trên thực tế. Đến khi tưởng đã nắm được nó thì
lại nhận ra liền là không phải vật mình mơ ước. Có thể Mỹ quốc không
phải là xứ mình muốn tìm đến? Có thể nó chỉ là một cớ về nỗi lo âu của
mình. Mỹ quốc là xướng khởi của lòng thương nhớ vẩn vơ. Chưa biết Mỹ
quốc có lẽ sẽ ít thất vọng hơn khi đã biết thật sự nó rồi”.
Mục sư vẫn chưa ngủ được. Ông ngùi ngùi cảm động, nóng lòng chơ cho
mau sáng, như chính ông đã hẹn gặp Ghitza ở đầu làng để đi Constantza,
rồi cùng nhau xuống chiếc tàu đang chờ đợi, tàu “chỉ được đậu ở bến có ba
ngày thôi”.
Khi ông thức giấc, trời còn tối, nhưng gà đã gáy sáng. Đường vắng, làng
còn chìm trong một lớp sương mù. Mục sư mở bao, để thêm gói thuốc hút
còn để nằm trên bàn. Ông nghĩ thầm: “Nếu Moritz đi, mình đâu còn ai để
biếu thuốc, mình mua cốt để dành cho anh ấy mà thôi”. Dòm qua cửa sổ,
thấy trời rạng sáng, ông nói: “Moritz phải lẹ lẹ, không thì trễ hẹn!”. Ông