khuôn khổ giá trị con người thôi. Con người thật sự, xét từng cá nhân,
không còn tồn tại với xã hội ấy. Em Nora, em bị ngồi tù dẫu rằng vô tội, và
anh với mấy người khác nữa cũng vậy, chúng ta đều không hữu hiện đối
với họ. Chỉ có thế thôi! Chúng ta chỉ là con số không. Chúng ta không có.
Chúng ta hữu hiện chỉ vì ta là thành phần của một loại hạng. Thí dụ họ chỉ
biết em đây là một nữ công dân nước nghịch, bị bắt tại địa phận Đức quốc.
Đó là chỗ tối đa của các đặc điểm mà Xã hội Kỹ thuật Tây phương có thể
nhận xét về em. Dưới mắt họ, em chỉ có mấy đặc điểm đó mà thôi. Và cũng
nhờ mấy đặc điểm ấy nên xã hội đó mới nhận ra được em, rồi nhân thế, đối
xử với em như những người cùng nhóm em, theo phép nhơn, chia hoặc trừ
của toán pháp. Em chỉ là một thành phần của xứ Roumanie. Thành phần ấy
bị bắt. Lý do cuộc bắt bớ là phạm lỗi, hay trọng tội, thì thuộc chung cho cả
loại hạng.
- Tuy nhiên, người Mỹ cũng có một cớ để bắt ta chớ. Hoặc họ thù ta, hoặc
họ nghi ngờ ta. Nếu không, thì họ thả ta rồi. Em khổ vì không rõ duyên cớ
nào bị bắt. Bởi phải có duyên cớ mới được!
- Có chớ sao không. Nhưng duyên cớ ấy trở nên vô lý khi xét theo phương
diện nhân đạo, mà hoàn toàn hữu lý, theo phương diện máy móc. Tây
phương nhìn con người theo đôi mắt kỹ thuật. Con người bằng xương, bằng
thịt, biết vui sướng, biết đau khổ đều không có nghĩa gì đối với họ. Vì thế,
cái việc họ giam cầm ta, hoặc mai kia đem hành quyết ta, không thể xem là
trọng tội, là sát nhân. Đối với người bằng xương bằng thịt, chuyện đó mới
là trọng tội. Còn xã hội Tây phương không thể biết được có đời sống con
người, thì khi giam cầm hay giết chết một người, cái xã hội ấy không phải
đã giam cầm hay giết chết một sinh vật mà chỉ giam giết một quan niệm
thôi. Theo lý lẽ thì trọng tội không thể gán cho cái xã hội kỹ thuật ấy, vì
chẳng có máy móc nào bị buộc tội sát nhân cả. Và không ai có thể bắt buộc
máy móc đối xử với con người như người được.