“loạn óc, ý muốn tự tử, nổi cơn hung bạo, có ý tưởng bị ngược đãi”. Hết
rồi. Chẳng thấy nói gì đến bãi thực cả. Tuyệt thực để phản kháng, là hành
vi sáng suốt và có ý thức. Nhưng lại không thấy ghi trong phiếu này. Hai
giáo sư đại học chẩn bịnh anh đều ký tên chứng nhận như trên. Hai danh sư
Đức! Vậy tôi phải tin ai? Anh hay hai vị giáo sư ấy?
Bác sĩ quả quyết là Traian bịa đặt ra chuyện của anh, từ đầu chí cuối, ông
hỏi:
- Anh chắc vợ anh cũng bị bắt không? Riêng tôi, tôi còn không tin anh có
vợ nữa! Nhẫn cưới của anh đâu?
- Bị tịch thâu trong một cuộc khám xét tại trại giam rồi!
- Có thể lắm, nhưng tôi không có một chứng cớ nào về chuyện này. Tôi
phải căn cứ vào phiếu bịnh trạng của anh mà xét đoán. Anh chẳng nên giận;
chừng nào có chứng cớ rõ rệt sẽ hay, hiện giờ tôi bắt buộc phải lập luận
khởi đầu như vầy: vợ anh không có bị bắt, có thể anh chưa có vợ, cha anh
không chết trong trại giam và anh không bị bắt vô cớ. Còn những chuyện gì
của anh thuật, tôi buộc lòng phải loại ra không kể đến.
Traian nghĩ thầm: “Làm sao chứng tỏ mình còn tỉnh trí? Mỗi cử động, mỗi
lời nói mà ta đã cho là hợp với lẽ thông thường, nếu đem phân tách, lại trở
thành những cử chỉ có vẻ điên rồ. Cũng những lời nói ấy, những câu ấy,
những ý kiến ấy theo cuộc sống hằng ngày, thì dường như hợp lý và còn
sáng suốt thông minh nữa là khác, mà ở trong nhà thương điên, lại trở
thành triệu chứng điên cuồng. Giới hạn của trạng thái tỉnh trí với điên
cuồng không thể định rõ. Nhưng phải rán chứng minh là không điên mới
được!”. Chàng nói:
- Tôi van lơn bác sĩ, xin bác sĩ cứu giúp tôi với!
- Bằng cách nào?