nào, cũng mặc họ! Riêng tôi, tôi cảm thấy không thể xây dựng xã hội cùng
chung với họ. Tôi phải giữ vai trò khán giả trọn đời. Nhưng sống như một
khán giả, nghĩa là như một Người Chứng, thì không phải sống. Cái Xã hội
kỹ thuật Tây phương chỉ để dành chỗ khán giả cho con người mà thôi.
Sự mỉa mai chua cay làm sao! Vật dụng độc nhứt mà tôi không bị tịch thâu
trong mấy kỳ khám xét là đôi mắt kiếng này. Như vậy chứng tỏ tôi còn
được phép giữ lấy cử chỉ khán giả duy nhứt. Lắm lúc, tôi thấy bọn quân
lính cũng có lòng nhân, còn để cho tôi cặp mắt kiếng. Nhưng không phải là
lòng rộng lượng. Đó là tánh thích làm người khác đau khổ. Vì không những
chúng hạn định tôi trong vai trò khán giả mà còn chỉ cho tôi những gì phải
nhìn thấy: các trại giam. Tôi không được phép nhìn thấy cảnh gì khác hơn
cảnh trại giam, nhà thương điên, khám đường, quân lính, và cả cây số ngàn
dây kẽm gai. Vì thế, nên tôi bỏ cặp kiếng.
Tôi từ bỏ vật duy nhứt mà tôi còn được quyền giữ ở thế gian này. Cặp
kiếng như cặp mắt, là một trong những bảo vật kỳ diệu, khôn bì, trên mặt
đất. Nhưng với điều kiện phải sống thật sự mới được. Khi con người không
còn sự sống nữa, hay chỉ còn vài giọt sinh lực, hoặc tham dự tạm thời một
kiếp sống hạn định, thì đôi mắt kiếng trở thành một lối giễu cợt hiểm ác.
Anh có khi nào thấy người chết đeo kiếng không?”
- Mà ông đâu có chết, ông Traian?
- Đấy là một hy vọng duy nhứt chúng ta còn giữ được, hy vọng chưa chết.
Nhưng hy vọng không thể thay thế cuộc sống. Hy vọng chỉ là ngọn cỏ mọc
giữa các nấm mồ!
- Nhưng chúng ta vẫn còn sống đây, ông Traian!
- Chúng ta vẫn tin tưởng và hy vọng còn sống thôi!
Moritz ngó Traian một hồi lâu. Anh nhớ lại Traian mới vừa ra khỏi nhà
thương điên. Chính Traian đã nói chuyện lại với anh.