Traian nói lầm thầm: “Moritz và Nora sẽ sống sót sau khi Âu châu bị mất,
và cũng sẽ sống được trong cái xã hội kỹ thuật Tây phương này, nhưng
không thể sống lâu trong cái xã hội ấy. Không có người nào có thể sống lâu
được trong cái xã hội ấy. Có thể hai người sẽ dự kiến được mấy trò biểu
diễn đầu tiên. Rồi sau khi các đàn ông khỏe mạnh chót chết hết, thì con
người-máy của Phương Đông, Phương Tây, Phương Bắc và Phương Nam
sẽ tràn lan ở khắp mặt đất...”
(164)
Moritz vừa khuất dạng trong dãy lều thì Traian đứng dậy, quăng điếu thuốc,
đi thẳng ra cửa chánh của trại giam. Tù nhân không được phép đi vô sân
chỗ lối đi ra cửa chánh. Traian đã biết, nhưng vẫn đi tới xa, bước mạnh dạn,
không hấp tấp, không chậm chạp. Giống như bước đi của người đi về nhà,
buổi chiều, sau một ngày làm lụng, chắc ý, không nên vội vàng, và cũng
không muốn dần dà.
Bọn tù ở trong sân, lối ba bốn ngàn, thấy có người đi vô đường cấm. Họ
liền lại gần hàng rào kẽm gai để xem cho rõ. Họ tưởng một viên thơ ký hay
một vị bác sĩ, vì chỉ có mấy người này mới được phép vượt qua lối cản ấy.
Bọn tù muốn xem chuyện sắp xảy đến. Trong trại giam không có chút gì
xảy ra mà không được hàng ngàn cặp mắt chăm chú, ngó theo, dò xét.
Mỗi ngày, bị bắt buộc nhìn thấy có bấy nhiêu cảnh vật, nên họ thích tìm
chuyện mới lạ, dầu nhỏ nhặt, miễn là khác với chuyện thường ngày. Nhu
cầu thiết yếu của tâm trí con người là muốn thoát ra khỏi lề lối máy móc
thông thường để tìm cái mới lạ, cái đặc biệt khác thường của cuộc đời.
Một tù nhân đi vào con đường cấm là một biến cố đáng chú ý. Tên tù với tư
cách là nhân viên trại hoặc bác sĩ, dẫu có được quyền, cũng bị bọn tù khác
theo dõi như xem một vai kép trong tuồng, vì anh ta dám làm một chuyện
bị nghiêm cấm.