của họ, cái xã hội mà từ rày về sau họ không thể gia nhập, nếu không chịu
rời bỏ địa vị con người của họ. Do đó nảy sinh nơi họ một mặc cảm tự ty,
họ muốn bắt chước kỹ thuật cơ khí và bỏ rơi đặc tính nhân bản của mình,
để đừng bị cách biệt khỏi mấy nơi trung tâm hoạt động xã hội.
Và cuộc tách lìa lần hồi ấy thay đổi tâm tính con người, khiến họ quên luôn
tình cảm, xã giao: con người tiết giảm đến thành quả quyết, chính xác và tự
động như các bộ phận ăn khớp nhau trong một cái máy. Nhịp đà và ngôn
ngữ của các tên nô lệ kỹ thuật được bắt chước trong giới xã giao, hành
chánh, hội họa, văn chương, khiêu vũ. Con người biến thành con kéc của
mấy tên nô lệ kỹ thuật. Nhưng đến đây mới là khởi đầu thảm kịch mà thôi.
Ấy là lúc khởi sự quyển tiểu thuyết của tôi, nghĩa là đời sống của ba tôi,
của má tôi, của anh, của tôi, và của mấy nhân vật khác”.
Ông biện lý vẫn hỏi một cách ngạo nghễ:
- Nghĩa là chúng ta trở thành “người máy” hết?
- Chính vì đó mà bi kịch xảy ra. Ta không thể biến thành máy móc được.
Cuộc đụng chạm giữa hai thực thể, máy và người, nổ bùng; các tên nô lệ kỹ
thuật thắng trận. Chúng nó sẽ tự giải phóng và trở thành “công dân kỹ
thuật” của xã hội chúng ta.
Và chúng ta là loài người, chúng ta sẽ trở thành giai cấp “vô sản” của một
xã hội, tổ chức theo nhu cầu và văn hóa đại đa số công dân, nghĩa là của
“công dân kỹ thuật”.
Ông biện lý hỏi:
- Theo thực tiễn, cuộc đụng chạm sẽ như thế nào?
- Tôi cũng tò mò muốn biết. Song, đồng thời tôi sợ. Tôi muốn thà chết
trước, hơn là phải chứng kiến bị hành hình trên thập tự giá, tôi và các đồng
bào tôi.