Khi xuống đến độ sâu nước có nhiệt độ hai chục độ thì loại cá nọ dừng
lại.
Ở độ sâu bốn chục mét bóng tối mất hẳn. Chúng tôi rơi vào vùng ánh
sáng xanh dịu. Khó mà xác định được vùng ánh sáng từ đâu phát ra: ở trên,
ở dưới hay bên cạnh. Lượn vòng, chúng tôi lại tiến đến gần vách đảo được
trang hoàng bằng những đám tảo. Bất thình lình Trauri Xinkhơ dừng quả
cầu đo độ sâu lại.
Cách chúng tôi không xa, dọc theo bức tường có một đàn cá sặc sỡ đang
bơi. Chúng cố lọt vào vùng trung tâm, ở đó có lẽ đang xảy ra một cái gì đó
quan trọng. Tôi để ý thấy những con hải tước mắt lồi màu nâu có đốm
trắng, những con cá màu đen ánh vàng và loài cá hàng chài màu nâu ánh
vàng duyên dáng thường được gọi là các “tiểu thư”.
Những con cá màu đen ánh vàng nọ chìa lườn ra cho các “tiểu thư” cá
hàng chài rỉa, chúng đờ ra, đầu lộn xuống hay ngửa bụng lên.
- Một trạm xá thông thường, - Trauri Xinkhơ vừa nói vừa cười. - Các
nàng hộ lý đang “chữa chạy” cho bạn bè của mình bị bệnh ngoài da. Hộ lý
cộng sinh đối với chúng ta là bí ẩn cũng như hầu như tất cả điều chúng ta
thường gặp ở đại dương. Chúng ta không hiểu vì sao mà những động vật ăn
thịt lại tha chết cho những hộ lý nhỏ bé này. - Anh đóng động cơ. - Tôi có
cảm tưởng rằng mình đã phát hiện được một dạng hộ lý mới chứ không
phải là giống mắt xanh xẫm này. Anh có trông thấy con cá xanh có cái đầu
tím và sọc đen xanh lơ không?
Tôi thú nhận là chưa để ý đến loài cá ấy, mặc dù các chuyến đi dưới
nước trước đây tôi đều có gặp các cô mắt xanh duyên dáng.
Trauri Xinkhơ nhìn vào bóng tối mờ xanh và tiếp tục nói:
- Những sinh vật này sống bằng chất nhựa độc, bằng các nấm ký sinh
bám trên thân cá, bằng hàng loạt vi khuẩn, các loại tôm ký sinh. Thế mà
chúng lại không bị lây bệnh. Như thế có lạ không?
- Vâng... Rất lạ...
- Chúng ta đã tách được kháng sinh từ máu của các “tiểu thư”. Sắp tới
khoa dược liệu sẽ cung cấp cho ta loại độc tố này, và lúc đó chúng ta sẽ có