- Cho đến bây giờ – ông ta nói – tôi vẫn nghĩ rằng ngài là người biết
mình sẽ ra đi và đang muốn ra đi.
- Hay lắm, ông cứ việc nghĩ như thế – pháp quan mỉm cười nói.
Pháp quan để cho người thợ cạo cạo mặt cho mình với thái độ ngoan
ngoãn của kẻ sẵn sàng chịu để cho kẻ khác cắt tiết mình. Pháp quan nhắm
mắt trong lúc người thợ cạo chải bộ râu, thoa phấn rồi dùng bàn chải mềm
quét tóc con trên mặt mình. Khi cởi chiếc khăn quàng cổ, người thợ cạo
khéo léo nhét tờ truyền đơn vào túi áo pháp quan.
- Pháp quan ạ, ngài chỉ nhầm lẫn trong một trường hợp mà thôi – người
thợ cạo nói. – ở nước này rồi sẽ có chuyện chẳng lành.
Pháp quan Accađiô khẳng định rằng những tờ truyền đơn này vẫn tiếp
tục có mặt ở hiệu cắt tóc. Nắng gay gắt hơn, tiếng máy may chạy đều đều ở
nhà bên trong không khí thanh tĩnh lúc chín giờ rưỡi của ngày thứ hai
không thể nhầm lẫn được, tất cả những thứ ấy như nói với ngài một điều
nữa: dường như là chỉ có hai người ở trong làng này. Thế là ngài rút tờ giấy
ở trong túi áo ra và đọc.
Người thợ cạo quay lưng lại để xếp đặt các thứ trên bàn cho gọn gàng.
“Hai năm đã qua”, ông đọc thuộc lòng. “Nhưng vẫn là tình trạng giới
nghiêm, vẫn là sự kiểm duyệt báo chí, vẫn chính là những quan chức ấy”.
Khi nhìn trong gương thấy pháp quan đã đọc xong, ông liền nói:
- Hãy chuyển cho người khác cùng đọc.
Pháp quan cất tờ truyền đơn vào túi ngực.
- Ông dũng cảm đấy. Pháp quan nói.
- Nếu nhầm lẫn với bất kỳ người nào thì cách đây mấy năm tôi đã xơi
kẹo chì rồi – người thợ cạo nói, sau đó nhấn mạnh thêm: Xin ngài nhớ cho
là đây chẳng phải chuyện của riêng ai.
Khi ra khỏi hiệu cắt tóc, pháp quan Accađiô cảm thấy cổ họng khát khô.
Ngài bước vào tiệm chơi bi-a gọi bốn cốc rượu đầy và sau khi uống chúng,
cốc nọ sau cốc kia, ngài hiểu rằng mình còn rất nhiều thời giờ để kết thúc.
Hồi ở trường Đại học, một ngày thứ bảy vinh quang, ngài định chữa cho