choán ngợp không gian thì căn phòng cũng ngày càng nóng hơn. Khi cô gái
mang súp ra, ngài xã trưởng đang dùng mũ kêpi quạt cho ráo mồ hôi.
- Cái đài này làm em cũng phải đổ mồ hôi đấy
- Cô nói.
Xã trưởng bắt đầu ăn món súp. Lúc nào ngài cũng nghĩ rằng cái khách
sạn vắng vẻ này, được duy trì bởi những khách vãng lai, là một địa điểm
khác hẳn với những nơi khác trong làng này. Trên thực tế, nó là nơi xưa cũ
nhất của làng. Trên cái ban công bằng gỗ khập khiễng của nó, các thương
nhân từ vùng nội địa đến để mua thóc trong mùa thu hoạch, đã ngồi chơi
bài cho qua đêm đợi cơn gió mát lúc gần sáng để đi ngủ. Chính đại tá
Aurêlianô Buênđya, người đến để ký hòa ước về cuộc nội chiến cuối cùng
ở làng Macônđô, đã ngủ lại ở chính ban công này trong thời kỳ quanh
Macônđô chưa có làng nào khác. Lúc đó nó vẫn là chính cái ngôi nhà mái
lợp tôn tường thưng gỗ này, với chính cái phòng ăn này và chính những
phòng ngủ được ngăn bằng cáctông này, chỉ khác là thời ấy chưa có điện và
các dịch vụ y tế. Một lữ khách già từng kể lại rằng cho đến đầu thế kỉ này,
khách sạn còn có cả một bộ sưu tập mặt nạ treo tại phòng ăn sẵn sàng phục
vụ các khách hàng và rằng các vị khách đã đeo mặt nạ để giải quyết những
bí bách của mình ngay tại sân, trước mặt thiên hạ.
Xã trưởng buộc phải phanh cúc cổ để ăn cho xong món súp nóng. Sau
bản tin, đến nhạc có kèm theo lời ngâm thơ. Sau đó là một khúc dân ca
bôlêrôa
trữ tình. Một người đàn ông có giọng say rượu, chết vì tình, đã
quyết định sẽ trở lại cõi trần để tìm lại một người đàn bà. Xã trưởng lắng tai
nghe bài hát trong lúc đợi dọn tiếp các món ăn khác cho đến khi ngài thấy
hai đứa trẻ vác ghế và bàn đi qua trước cửa phòng ăn. Phía sau chúng là hai
người đàn bà và một người đàn ông mang soong nồi và các dụng cụ khác.
Xã trưởng bước ra cửa, gào toáng lên:
- Ăn cắp những thứ kia ở đâu đấy hả?
Những người đàn bà đứng lại. Người đàn ông giải thích rằng họ đang
chuyển nhà lên chỗ đất cao ráo. Xã trưởng hỏi họ chuyển đi đâu và người