- Làng này vốn đã văn minh từ trước khi các ngài đến.
Xã trưởng không đợi uống cà phê. “Quân vô ơn”, ngài nói. “Chúng ta
cho không đất mà họ vẫn nỏ mồm ca thán”. Người phụ nữ không cãi lại.
Nhưng khi xã trưởng đi qua nhà bếp trên đường ra phố, bà vẫn cúi khom
lưng trên bếp nấu, lẩm bẩm nói:
- Ở đây sẽ còn tệ bạc hơn. Chúng tôi còn nhớ các ngài mỗi khi nhớ đến
những người bị giết hại ngay trong sân nhà mình.
Xã trưởng cố ngủ trưa trong lúc ca nô sắp cập bến. Nhưng ngài không
chịu nổi cái nóng. Cái má sưng đã xẹp dần, tuy nhiên ngài vẫn chưa được
khỏe hẳn. Trong hai giờ ngài vẫn theo dõi tiếng nước chảy đều đều của
dòng sông và tiếng còi rúc ngay trong phòng. Ngài chẳng nghĩ gì cả.
Khi nghe thấy tiếng còi ca nô, xã trưởng cởi quần áo ngủ, lấy khăn tắm
lau mồ hôi, mặc đồng phục. Sau đó ngài tìm con ve sầu. Bằng ngón cái và
ngón trỏ ngài nhúp lấy nó rồi ra đường. Từ trong đám đông đang đứng đợi
ca nô đến, một em bé sạch sẽ, ăn mặc đẹp bước ra chặn bước ngài, buộc
ngài đứng lại trước họng khẩu súng liên thanh làm bằng nhựa. Xã trưởng
cho nó con ve sầu.
Một lát sau, ngồi trong cửa hiệu của cụ Moixêt, ngài ngắm nhìn ca nô
đang thao tác để cập bến cảng. Cảng sông sôi sùng sục trong khoảng mười
phút đồng hồ. Xã trưởng cảm thấy bụng mình quặn đau, đầu nhức nhối và
nhớ thái độ khó chịu của người phụ nữ ấy. Sau đó ngài cảm thấy trong
người yên ổn. Ngài ngồi ngắm nhìn các hành khách đi trên chiếc cầu gỗ nối
ca nô với đất liền. Họ vừa đi vừa duỗi chân, thư dãn cơ bắp sau tám giờ
ngồi bó gối trên ca nô.
- Vẫn thế thôi – ngài nói.
Cụ Moixêt cho ngài biết rằng gánh xiếc đến làng. Đó là một sự kiện mới.
Xã trưởng thừa nhận rằng đúng thế, dẫu rằng ngài không nói vì sao. Có lẽ
trên nóc ca nô chất đống những gậy gộc và cả những tấm vải sặc sỡ đủ màu
và có lẽ còn hai phụ nữ ăn mặc giống hệt nhau như chính một người được
lặp lại cùng có mặt trong đám hành khách.