PHẦN III
Ca nô rúc một hồi còi dài và ngay tại giữa dòng sông nó quay một vòng.
Trong lúc đó dân chúng tụ tập trên bến cảng và những người đàn bà đứng
bên cửa sổ nhà mình đang ngắm nhìn lần cuối cùng Rôsariô đê Môngtêrô
ngồi bên cạnh mẹ trên một chiếc vali sắt tây mà cách đây bảy năm cô đã
mang nó đến làng. Đang cạo râu bên cửa sổ phòng khám bệnh, bác sĩ
Octavio Hiranđô ngắm nhìn quang cảnh ấy với cảm tưởng rằng chuyến ra
đi kia, nếu xét về một phương diện nào đó, là chuyến du lịch trở về thực tại.
Bác sĩ Octavio Hiranđô đã nhìn thấy Rôsariô trong buổi chiều cô đến
làng này: vận bộ đồng phục nữ sinh trường sư phạm, đi đôi giày đàn ông,
đang loay hoay tìm ở bến cảng xem có ai đồng ý mang vali của mình về
trường với giá rẻ nhất. Hình như cô sẵn sàng chịu sống cho đến già mà
chẳng hề có hoài bão gì hết tại cái làng mà tên của nó – theo đúng như lời
cô kể – cô đã nhìn thấy lần đầu tiên trên một tờ phiếu được rút ra trong một
chiếc mũ khi người ta chọn sáu người trong số mười một người muốn đến
làng này. Cô sống trong một căn phòng nhỏ của nhà trường, có một chiếc
giường sắt và một vòi nước chảy xuống chậu rửa mặt. Trong những giờ
rảnh rỗi cô thêu khăn đăngten trong lúc đợi cho nồi cháo ngô sôi trên bếp
dầu. Cũng năm đó, vào dịp lễ Giáng sinh, cô quen Xêxa Môngtêrô trong
một buổi dạ hội của nhà trường. Lúc đó ông còn là một người chưa vợ, có
gốc gác không rõ ràng, giàu lên nhờ khai thác gỗ, sống trong rừng rậm bên
cạnh bầy chó và muông thú và chỉ có mặt ở làng trong những dịp hiếm hoi,
râu tóc không cắt tỉa, đi ủng và khoác khẩu súng săn hai nòng. Đó cũng tựa
như là lần thứ hai Rôsariô đã rút trúng số độc đắc, bác sĩ Octavio Hiranđô
nghĩ thế. Vừa hay lúc đó cái mùi khẳn lặn đến nôn mửa đã lôi ông ra khỏi
những kí ức.
Hoảng hốt trước những cơn sóng cuộn do ca nô gây nên, bầy quạ đen
nhớn nhác bay ở phía bờ sông bên kia. Mùi con vật thối rữa lởn vởn trên
bến cảng một lúc lâu, lẫn theo gió sớm lùa vào từng nhà.
- Của khỉ, vẫn cái mùi chết tiệt ấy! – Trong lúc nhìn đàn quạ bay, xã
trưởng thốt lên như vậy ngay ở ban công phòng ngủ – vẫn cái con bò chết