Bác-sĩ khám xong, ông chích và cho dì Ba uống thuốc. Dì Ba đã ngưng
mửa, nhưng vẫn còn đi cầu, Thanh An dìu dì ra cầu tiêu và lau chùi, vì dì
yếu sức lắm. Trong đêm đó, dì Ba đi cầu rất nhiều lần. Thanh An thức đến
sáng. Mãi đến trưa trưa dì Ba mới đỡ và ăn chút cháo lỏng. Tới chiều
Thanh An thấy dì khỏe lại. nàng xin phép bác-sĩ cho dì Ba về. Nàng đi
đóng tiền nhà thương, rồi lấy taxi đem dì Ba về nhà cho dì dưỡng bệnh.
Thanh An lo dì Ba như đứa con lo cho mẹ. Cuối tuần cậu Ân, con trai dì Ba
ghé thăm mẹ, dì Ba kể lại chuyện trên đã xẩy ra cho con nghe. Ân rất lấy
làm cảm động và lên nhà trên gặp Thanh An và nói :
- Dạ, thưa cô An ! Tôi xin có lời cám ơn cô thật nhiều. Nhưng vì sao cô
không nhắn người gọi tôi ?
Thanh An tươi cười :
- Vì tôi thấy, tôi lo cho dì Ba được !
- Lòng cô tốt với mẹ tôi. Tôi biết lấy gì đền đáp đây ?
- Có ơn nghĩa gì trọng đại đâu mà cậu quan tâm quá vậy ? Hơn nữa, dì Ba
là người tôi mang ơn lớn lắm đó.
- Trời ơi ! Sao cô nói vậy ?
- Tôi nói với tấm lòng thành thật theo quan niệm của riêng tôi, chớ không
phải là triết lý, hay dại đời ai. Bởi vì, dì Ba bỏ công cực nhọc làm cho tôi,
công lao ấy thậ là lớn vô biên, vô lượng không thể nghĩ bàn được. Còn tiền
của tôi trả công cho dì Ba thì có giới hạn, có số. Và hơn nữa, kiếp người ai
biết được chuyện gì sẽ xẩy ra ở ngày mai. Biết đâu ngày sau, rủi tôi có
thành người làm của cậu, cậu sẽ nghĩ chút tình mà tử tế với tôi.
- Trời ơi ! Cô nói quá lời !
Thanh An cười :
- Ở đời những chuyện xuống lên là lẽ thường mà cậu !
- Cô nghĩ quá xa ! Tôi nghĩ rằng sẽ không bao giờ có chuyện đó xẩy tới đời
cô !
- Chuyện gì cũng có thể xẩy ra trên cõi đời. Nhứt là đã mang kiếp con
người. Thật ra đối với tôi, thì cái việc tôi lo cho dì Ba trong lúc bệnh hoạn,
đó là tự nhiên, là bổn phận con người đối với người mà thôi. Tôi chẳng
nghĩ gì trong lúc đó cả. Xin cậu đừng quá ái ngại, cậu nên để lòng yên tịnh