nhà để làm ra quần áo, đồ da, vòng hoa tang, túi xách, đồ thủy tinh, mỹ
phẩm, nhưng số lượng này đã giảm đáng kể.
Năm 1906, 42% phụ nữ ở độ tuổi lao động (từ mười tám đến sáu mươi)
được sử dụng trong nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, ngân hàng,
công ty bảo hiểm, văn phòng, nghề tự do. Cuộc khủng hoảng nhân lực 14
18 và cuộc khủng hoảng Đại chiến II thúc đẩy trào lưu này trên toàn thế
giới. Giai cấp tiểu tư sản, giai cấp tư sản lớp giữa quyết định theo trào lưu
ấy và phụ nữ ồ ạt xâm chiếm các nghề tự do.
Theo một trong những cuộc điều tra cuối cùng trước Đại chiến II, thì trên
tổng số phụ nữ tuổi từ 18 đến 60, khoảng 42% làm việc ở Pháp; 37% ở
Phần Lan: 34% ở Đức, 27,7% ở Ấn Độ, 26,9% ở Anh, 19,2% ở Hà Lan,
17,7% ở Mỹ. Nhưng ở Pháp và ở Ấn Độ, con số lớn như vậy là vì tầm quan
trọng của lao động nông thôn. Nếu trừ nữ nông dân ra, thì ở Pháp, năm
1940, có khoảng 500.000 chủ xưởng, một triệu nữ viên chức, hai triệu nữ
công nhân, một triệu rưỡi người phụ nữ sống tách biệt hay thất nghiệp.
Trong số nữ công nhân, có 650.000 làm việc ở nhà; 1.200.000 lao động
trong các ngành công nghiệp chế biến, trong đó có 400.000 trong ngành vải
sợi, 315.000 trong ngành may mặc, 380.000 làm việc ở nhà với tư cách thợ
may. Về thương mại, các nghề tự do, công sở, Pháp, Anh và Mỹ giữ vị trí
ngang nhau.
Một trong những vấn đề chủ yếu được đặt ra về phụ nữ, như chúng ta đã
thấy, là sự dung hoà giữa vai trò sinh đẻ và lao động sản xuất. Lý do sâu xa,
từ những buổi đầu lịch sử, buộc chặt phụ nữ vào công việc gia đình và ngăn
cản họ tham gia xây dựng thế giới, chính là sự lệ thuộc của họ vào chức
năng sinh đẻ. Ở loài động vật cái, có một nhịp độ động đực và mùa vụ bảo
đảm tiết kiệm sức lực; trái lại, từ tuổi dậy thì đến lúc mãn kinh, tạo hoá
không giới hạn năng lực mang thai của phụ nữ. Một số nền văn minh cấm
kết hôn sớm. Người ta nhắc tới những bộ lạc người Da đỏ yêu cầu bảo đảm
tối thiểu hai năm nghỉ ngơi cho phụ nữ giữa hai lần sinh nở. Nhưng nói
chung, trong nhiều thế kỷ, việc sinh đẻ của phụ nữ không được ấn định
thành quy tắc.