Từ thời Cổ đại, có những cách tránh thai, thường sử dụng cho phụ nữ:
thuốc nước, thuốc đạn (suppositoire), tampon; nhưng chúng vẫn là chuyện
kín của gái mại dâm và của thầy thuốc. Phải chăng phụ nữ La Mã trong
những thế kỷ cuối cùng của đế chế La Mã nắm được bí quyết ấy? Các nhà
văn trào phúng phê phán tình trạng vô sinh của họ. Nhưng thời Trung đại
không biết tới những bí quyết ấy; cho tận thế kỷ XVIII, không thấy có một
dấu vết nào. Trong những thời kỳ này, đối với vô số phụ nữ, cuộc sống là
một chuỗi thai nghén liên tục. Ngay cả những người đàn bà phóng đãng
cũng phải trả giá lối tình ái buông thả bằng nhiều kỳ sinh đẻ.
Ở một vài thời kỳ, nhân loại cảm thấy cần giảm bớt dân số. Nhưng đồng
thời các quốc gia sợ suy yếu. Trong những thời kỳ khủng hoảng và nghèo
đói, người ta giảm bớt tỷ lệ sinh đẻ bằng cách gia hạn tuổi kết hôn của
người độc thân. Nhưng quy tắc thông thường vẫn là kết hôn sớm và phụ nữ
tha hồ sinh con. Chỉ có nạn tử vong trẻ em là giảm bớt được tỷ lệ trẻ em
sống sót. Vào thế kỷ XII, tu viện trưởng de Pure
đã lên tiếng phản đối
(trong cuốn Đàn bà đàng điếm) nạn “thuỷ thũng tình ái” (“hydropisie
amoureuse”) mà phụ nữ phải chịu đựng; còn bà de Sévigné
thì căn dặn
con gái tránh mang thai luôn.
Nhưng khuynh hướng theo học thuyết Malthus
phát triển ở Pháp vào
thế kỷ XVIII. Lúc đầu, các tầng lớp khá giả, rồi sau đó, nhân dân nói
chung, cho hạn chế số con theo nguồn lực của cha mẹ là hợp lý, và các thủ
pháp tránh thai bắt đầu thâm nhập vào tập quán.
Còn sự phá thai thì không ở đâu được pháp luật chính thức cho phép.
Luật pháp La Mã không dành một sự bảo hộ đặc biệt nào cho cuộc sống
của cái phôi, không xem phôi là một con người, mà chỉ là một bộ phận của
thân thể người mẹ. Vào những thời kỳ cuối của đế chế La Mã, phá thai
được xem như một hành động bình thường, và khi muốn khuyến khích sinh
đẻ, nhà làm luật không dám cấm đoán nó. Nếu người vợ phá thai trái ý
chồng, thì có thể bị chồng yêu cầu pháp luật trừng phạt; nhưng chính thái
độ không làm theo lời chồng tạo thành tội phạm.