màu sắc mục đích luận, chỉ vì họ cho các hiện tượng sống có một ý nghĩa;
chúng tôi sử dụng từ vựng của họ. Tuy không quyết định gì hết về mối
quan hệ giữa đời sống và ý thức, chúng ta vẫn có thể khẳng định rằng mọi
sự kiện sống đều chỉ ra một sự siêu nghiệm (transcendance), và mọi chức
năng đều bao hàm một dự định: công trình miêu tả của chúng tôi không
hàm ý gì hơn.
***
Trong tuyệt đại đa số các loài, cơ thể đực và cái hợp tác với nhau để sinh
sản.
Về cơ bản, những cơ thể này được xác định bởi những giao tử do chúng
sản sinh. Ở một vài loài tảo và một vài loài nấm, các tế bào hoà nhập vào
nhau để sản sinh ra trứng, đều giống nhau, các trường hợp đẳng giao
(isogamie) này có ý nghĩa ở chỗ chúng thể hiện sự tương đương căn bản
giữa các giao tử; một cách khái quát, các giao tử này được phân hoá: nhưng
sự tương đồng của chúng vẫn rất đáng chú ý. Tinh trùng và noãn là kết quả
của một quá trình tiến hoá của các tế bào lúc đầu vốn là đồng nhất: quá
trình phát triển tế bào các nguyên thuỷ thành noãn bào trứng (oocyte) khác
quá trình phát triển tinh bào (spermatocyte) qua các hiện tượng nguyên sinh
(phénomène protoplasmique), nhưng các hiện tượng nhân (phénomène
nucléaire) thì rõ ràng là giống nhau. Quan niệm của nhà sinh học Ancel
năm 1903, đến nay vẫn có giá trị: “Một tế bào tiền nảy mầm không phân
hóa (cellule progerminatrice indifférenciée) sẽ trở thành đực hay cái tuỳ
theo những điều kiện nó gặp trong tuyến sinh dục lúc nó xuất hiện, những
điều kiện này được quy định bởi sự biến đổi một số tế bào biểu mô (cellule
épithéliale) thành yếu tố nuôi dưỡng tạo nên một chất đặc biệt”. Mối thân
thuộc cội nguồn ấy được thể hiện trong cơ cấu hai giao tử mang một số
lượng nhiễm sắc thể giống nhau bên trong mỗi loài; vào lúc thụ tinh, cả hai
nhân hoà lẫn chất của chúng vào nhau, và trong mỗi nhân, nhiễm sắc thể
giảm bớt một nửa số lượng ban đầu; hai đợt phân chia cuối cùng của noãn
dẫn tới việc hình thành các cực cầu (globule polaire), tương đương với
những sự phân chia cuối cùng của tinh trùng. Ngày nay, người ta cho rằng