Con người tôn kính Đất. Một nhà tiên tri Ấn Độ khuyên các môn đệ
không cuốc đất, vì “làm bị thương, cắt xé bà mẹ chung của chúng ta bằng
những công việc đồng áng, là phạm trọng tội... Tôi đi lấy dao thọc vào
bụng mẹ tôi hay sao?... Tôi huỷ hoại thịt da của Người tới tận xương cốt
hay sao?... Làm sao tôi dám cắt tóc mẹ tôi được?”
Ở miền trung Ấn Độ, người ta cũng cho “xé nát lòng đất mẹ với lưỡi
cày” là phạm tội. Ngược lại, Eschyle bảo Oedipe đã “dám gieo vãi vào
đường cày thiêng liêng mình vốn được sinh thành trong đó”. Sophocle nói
về những “đường cày của người cha” và về “người nông dân, chủ một cánh
đồng xa mà ông ta chỉ tới thăm một lần vào dịp gieo vãi”. Cô gái được yêu
trong một khúc ca Ai Cập tuyên bố: “Em là đất!”. Trong các văn bản đạo
Hồi, người đàn bà được gọi là cánh đồng, là “cánh đồng nho”. Trong một
bản thánh ca, thánh François d’Assies
nói về “đất, chị gái chúng ta,
người mẹ chúng ta, người bảo vệ và chăm sóc chúng ta, người sản sinh ra
những trái cây hết sức đa dạng với những đoá hoa muốn màu sắc và với cỏ
cây”. Michelet
trong lúc tắm táp trong đất phù sa, thốt lên: “Hỡi mẹ thân
thương! Chúng ta là một. Con từ mẹ ra đi, con trở về với mẹ!...”
Người mẹ là cái rễ cắm sâu trong lòng vũ trụ, và hút nhựa của vũ trụ, là
cái giếng phun ra dòng nước sông vốn là một dòng sữa nuôi dưỡng, một
dòng suối nóng, một lớp bùn làm bằng đất và nước, giàu những sức lực
sinh sản.
Nhưng khái quát hơn ở đàn ông là sự phản kháng chống lại thân phận
của mình về mặt tình dục: họ tự xem mình như một vị thần bị phế truất: tai
họa của họ là từ một bầu trời sáng sủa và có trật tự, rơi xuống cảnh tối tăm
hỗn độn trong bụng mẹ. Cái ngọn lửa, cái hơi thở chủ động và thuần khiết
người đàn ông mong muốn tự nhận biết mình trong đó, ngọn lửa ấy, hơi thở
ấy chính là người phụ nữ giam hãm anh ta vào trong lớp bùn đất. Người
đàn ông muốn tự thấy mình là cần thiết như một khái niệm thuần khiết, như
cái Đơn nhất, cái Toàn thể, như Tinh thần tuyệt đối; nhưng một không gian
và một thời gian không do mình lựa chọn và mình không được vời vào
trong đó; tự cảm thấy mình vô ích, vướng víu, phi lý. Cái ngẫu nhiên về