CHƯƠNG 10
Huyền thoại về phụ nữ giữ một vai trò rất lớn trong văn học. Nhưng nó
có tầm quan trọng ra sao trong cuộc sống thường nhật? Trong chừng mực
nào nó ảnh hưởng tới tập tục và hành vi cá nhân? Muốn giải đáp câu hói
này, cần xác định những mối quan hệ giữa huyền thoại và hiện thực.
Có nhiều loại huyền thoại. Huyền thoại về phụ nữ là một huyền thoại
tĩnh: nó đề cao việc “chia cắt” nhân loại thành hai loại cá thể vốn là một
phương diện bất di bất dịch của thân phận con người. Nó phản chiếu vào
một bầu trời, theo kiểu học thuyết Platon, một hiện thực nắm bắt được
trong thể nghiệm hoặc được quan niệm từ thể nghiệm. Nó đem một khái
niệm siêu nghiệm, vĩnh hằng, bất biến, tất yếu thay thế cho sự kiện, giá trị,
ý nghĩa ý thức, quy luật thực nghiệm. Khái niệm này thoát khỏi mọi sự
phản bác vì nằm ngoài cái người ta suy tưởng (le donné); nó mang một
chân lý tuyệt đối. Tư duy huyền thoại đem phạm trù Nữ tính Vĩnh hằng đơn
nhất và cố định thay thế cho cuộc sống phân tán, ngẫu hứng và đa dạng của
những người phụ nữ. Nếu định nghĩa người ta đưa ra về phụ nữ bị những
người đàn bà bằng xương bằng thịt phản đối thì chính vì những người này
sai lầm; người ta không tuyên bố Nữ tính là một thực thể, mà chỉ tuyên bố
phụ nữ không có nữ tính. Những sự cải chính của kinh nghiệm không thể
làm gì chống lại huyền thoại. Nhưng bằng một cách nào đó, huyền thoại bắt
nguồn từ kinh nghiệm. Quả là đàn bà khác đàn ông, và tính chất khác ấy
được thể nghiệm trong dục vọng, trong sự ôm ấp và tình yêu; nhưng quan
hệ thực sự thì mang tính tương hỗ, và với tư cách ấy, sản sinh ra những tấn
bi kịch đích thực: trải qua tình dục, tình yêu, tình bạn xen lẫn thất vọng, hận
thù, đối địch, nó là cuộc đấu tranh giữa các ý thức mỗi ý thức đều muốn
mình là chủ yếu; nó là sự thừa nhận những quyền tự do khẳng định lẫn
nhau; nó là sự chuyển dịch vô tận từ ác cảm sang đồng loã. Đặt vấn đề Phụ
nữ, tức là đặt vấn đề người Khác tuyệt đối, không có quan hệ tương hỗ,
không thừa nhận mình là một chủ thể, một người đồng loại.