tiết hoặc “hái” hoa của một cô gái. Sự phá trinh này không phải là kết quả
hài hoà của một tiến trình liên tục, mà là một sự đoạn tuyệt đột ngột với quá
khứ, là sự mở đầu một chu kỳ mới. Khoái cầm diễn ra với những sự co bóp
(contraction) của mặt trong âm đạo. Những sự co bóp này có dẫn tới một
hiện tượng cực khoái cụ thể và vĩnh viễn không? Đó là một điểm còn được
bàn cãi. Các cứ liệu giải phẫu học còn rất mơ hồ, dẫu sao, cũng có điều
chắc chắn là có khoái cảm của âm đạo. Và điều chắc chắn là phản ứng của
âm đạo là một phản ứng rất phức tạp, mà người ta có thể cho là mang tính
chất tâm sinh lý học,vì nó liên quan chẳng những tới toàn bộ hệ thần kinh,
mả còn phụ thuộc vào toàn bộ cuộc sống của chủ thể: nó đòi hỏi một sự
thuận tình sâu xa của cá thể một cách trọn vẹn.
Quả vậy, hành vi ân ái bình thường đặt người đàn bà vào trong sự phụ
thuộc đối với đàn ông và đối với loài. Cũng như hầu hết các con vật, đàn
ông giữ vai trò “xâm lược”, còn đàn bà “chịu” sự ôm ấp ấy. Thông thường,
bao giờ đàn bà cũng có thể bị đàn ông chiếm đoạt; còn đàn ông chỉ có thể
chiếm đoạt họ trong trạng thái cương cứng. Trừ trường hợp một sự phản
đối sâu xa như chứng co đau âm đạo (vaginisme) đóng chặt người đàn bà
lại còn chắc chắn hơn cả màng trinh (hymen), hiện tượng chối từ của phụ
nữ có thể khắc phục được.
Vì là khách thể nên tính ỳ (inertie) của phụ nữ không làm biến đổi sâu xa
vai trò tự nhiên của họ. Và nhiều người đàn ông không biết người phụ nữ
chung chăn chung gối với mình muốn sự giao hợp hay chỉ chấp nhận nó mà
thôi. Hành vi giao hợp không thể xảy ra nếu không có sự thuận tình của
người đàn ông, và sự thoả mãn của họ đánh dấu sự kết thúc một cách tự
nhiên. Sự thụ thai vẫn có thể xảy ra, dù người đàn bà không cảm thấy một
chút khoái cảm nào. Mặt khác, đối với họ, thụ thai không phải là sự kết
thúc quá trình tình dục. Trái lại, chính vào lúc nay mới bắt đầu công việc
mà loài đòi hỏi ở họ: công việc này diễn ra chậm rãi, khó nhọc trong quá
trình mang thai, sinh nở và cho con bú. Vì vậy “số phận giải phẫu học”
giữa đàn ông và đàn bà khác nhau sâu xa. Điều kiện tinh thần, và vị trí xã
hội giữa họ với nhau cũng khác nhau không kém. Nền văn minh gia trưởng
buộc chặt phụ nữ vào chữ trinh; trong lúc người ta thừa nhận khá công khai