Các nhà phân tâm học không bao giờ trực diện nghiên cứu dục năng của
phụ nữ, mà chỉ xuất phát từ dục năng nam giới. Họ hình như không biết tới
tính lưỡng tri (am bivalence) cơ bản của sức cuốn hút của đàn ông đối với
phụ nữ. Những người theo học thuyết Freud và thuyết Adler giải thích nỗi
kinh hoàng của phụ nữ như là hiện tượng đảo ngược một dục vọng bị tước
đoạt. Có người cho đó là một phản ứng độc đáo, nhưng phản ánh nó một
cách hời hợt, cho rằng phụ nữ sợ mất trinh, sợ mang thai, sợ đau đớn, và sợ
hãi kìm hãm dục vọng. Sự giải thích quả là quá hợp lý!
Thay vì thừa nhận dục vọng biến tướng thành kinh sợ hay bị sự kinh sợ
đánh bại, cần xem dục vọng của phụ nữ một thứ tiếng gọi vừa khẩn thiết
vừa hãi hùng như một cứ liệu độc đáo: nó là sự tổng hợp không thể chia cắt
giữa sức cuốn hút và lực đẩy lùi, đặc trưng cho dục vọng ấy. Điều đáng chú
ý là nhiều con cái trong loài động vật trốn tránh giao hợp vào lúc chính
chúng đòi hỏi. Khái niệm một “dục năng thụ động” (“libido passive”) làm
người ta bối rối, sau khi xác định dục năng từ con đực với tư cách một sự
xung động, một năng lượng: không thể quan niệm một cách tiên nghiệm
rằng một luồng ánh sáng có thể vừa là màu vàng vừa là màu xanh. Có thể
thu hiện thực lại hẹp hơn nếu không xác định dục năng bằng những từ ngữ
mơ hồ như “năng lượng”, mà trái lại, đối chiếu ý nghĩa của bản năng tình
dục với ý nghĩa những hành vi khác của con người: nắm, bắt, ăn, làm, chịu,
v.v...vì nó là một trong những phương thức khác thường nắm bắt một đối
tượng; cũng phải nghiên cứu các tính chất của đối tượng tình dục như nó
thể hiện chẳng những trong hành vi tình dục, mà cả trong tri giác nói
chung. Sự xem xét này thoát ra ngoài khuôn khổ phân tâm học vốn xem
hứng dục là bất biến.
Mặt khác, chúng tôi đặt vấn đề số phận phụ nữ một cách hoàn toàn khác:
chúng tôi đặt phụ nữ trong một thế giới giá trị, và định cho hành vi của họ
một khuôn khổ tự do. Chúng tôi nghĩ họ có quyền lựa chọn giữa việc khẳng
định sự siêu nghiệm và sự tha hoá của mình thành vật thể; họ không phải là
đồ chơi của những sự xung động trái ngược nhau; họ sáng tạo ra những giải
pháp mà giữa những giải pháp ấy tồn tại một trật tự thứ bậc đạo đức học.
Lấy quyền uy thay thế giá trị, sự xung động thay thế quyền lựa chọn, phân