hộ của vợ. Và chế độ tư bản khi được thành lập vẫn giữ nguyên luật lệ ấy.
Chỉ có chuyện giải phóng bên ngoài hôn nhân: người con gái và người quả
phụ có đủ quyền lực như đàn ông; nhưng phụ nữ có chồng chịu quyền giám
hộ và cai quản của chồng. Anh ta có thể đánh vợ, kiểm soát hành vi, quan
hệ, thư tín của vợ, sử dụng tài sản của vợ, không phải theo một khế ước, mà
do chính kết quả tự thân cuộc hôn nhân. Sở dĩ như vậy là vì đối với tầng
lớp quý tộc và giai cấp tư sản, chỉ có một người chủ duy nhất quản lý di
sản. Không phải vì bị coi là bất lực về mặt ruộng đất mà người ta đặt người
vợ vào tình thế phụ thuộc vào chồng: khi không có gì cản trở cả, thì người
ta thừa nhận phụ nữ có đầy đủ mọi năng lực.
Từ thời phong kiến cho tới ngày nay, người phụ nữ có chồng hoàn toàn
bị hy sinh cho quyền tư hữu tài sản. Điều quan trọng cần nêu lên là tài sản
của chồng càng nhiều thì sự lệ thuộc ấy càng ngặt nghèo: tình trạng phụ
thuộc của phụ nữ bao giờ cũng rõ rệt nhất ở các tầng lớp hữu sản. Và ngày
nay nữa, gia đình gia trưởng vẫn sống sót ở tầng lớp chủ đất giàu có. Càng
cảm thấy có quyền thế về mặt xã hội và kinh tế, đàn ông càng sử dụng
quyền gia trưởng. Trái lại, trong nghèo đói, quan hệ vợ chồng là một mối
quan hệ tương hỗ. Không phải chế độ phong kiến và cũng không phải giáo
hội giải phóng phụ nữ. Chính xuất phát từ chế độ nông nô mà gia đình gia
trưởng chuyển sang gia đình có quan hệ vợ chồng đích thực. Hai vợ chồng
người nông nô không có gì hết; họ chỉ có quyền cùng sử dụng chung căn
nhà, đồ gỗ và đồ dùng trong nhà: người đàn ông không có lý do gì tìm cách
làm chủ người đàn bà không có một chút tài sản nào; trái lại, sợi dây lao
động và quyền lợi gắn bó họ với nhau đưa người vợ lên vị trí người bạn
đời.
Khi chế độ nông nô bị thủ tiêu, sự nghèo đói vẫn tồn tại. Trong các cộng
đồng nhỏ ở nông thôn và ở trong giới thợ thủ công, người ta thấy vợ chồng
sống bình đẳng: vợ không phải là một đồ vật, và cũng không phải là một
người ở; người chồng nghèo cảm nhận sự tương hỗ của mối quan hệ ràng
buộc mình với vợ trong lao động tự do, còn người vợ thì giành được một
quyền độc lập cụ thể vì thấy mình có vai trò kinh tế và xã hội.