Ít lâu sau, cha Duy có vợ bé. Biến cố ấy khởi đầu cho những thảm
kịch của gia đình anh sau này.
Cha Duy vốn là một người tài hoa. Hồi Pháp thuộc ông cai quản cả
một gia đình giàu có, ông xây riêng một cái lầu đúc, sáng vác lưới đi rập cu
đất với lũ con, buổi chiều trở về giao con thịt cho vợ làm chả ram. Ông kéo
bạn bè lên lầu uống rượu… Mọi người nhậu nhẹt, hát bội đánh chầu, đàn
nhị đàn tranh đủ thứ.
Trong thời kháng chiến cha thu mình lại như con công rụt cổ, xếp cánh
xếp đuôi cho hợp với thời thế. Vả lại giặc giã rầm rầm, chết chóc tang
thương khắp nơi, cơm gạo thiếu thốn, có ai nghĩ tới chuyện đàn địch, hát
bội hát bè, cha cũng đi làm rẫy làm ruộng, cha cũng tăng gia sản xuất. Bây
giờ đình chiến rồi, cha hết làm ruộng, cha xòe cánh xòe đuôi ra thành con
công rực rỡ, hào hoa, con công biết đàn địch, biết đa tình…
Duy thì bị mật vụ Diệm theo dõi, quanh năm lẩn quẩn xó nhà không
làm gì được. Anh nản, quyết định lấy vợ.
Khi cha có vợ bé, có nghĩa là ông đã lập riêng một phe. Và khi Duy
lấy vợ, anh cũng mặc nhiên lập riêng một phe khác.
Mẹ và những đứa con còn lại “tử thủ” cái gia đình nghèo xác xơ.
Mười sáu năm trôi qua, Hữu đã lớn và đã vào đại học. Còn ta, ta đã
già rồi, đã hết thời rồi, cũng như Nghi nó thi rớt, trốn tránh mấy năm rồi bị
bắt lính, lần hồi mò lên chức trung sĩ. Nó trở thành kẻ lầm lì, câm điếc và
bất thường. Cang thì bị bỏ hoang giữa cuộc đời ở tuổi mười sáu, sống nhờ
vào Tú, đua đòi, và ương ngạnh.
Duy mất hết uy tín. Anh bó tay trước mọi người. Anh trở thành cái
bóng mờ trước lũ em, anh càng ngày càng chán nản buông xuôi phó mặc và
tuyệt vọng. Mình già rồi. Cô lập và cô độc.
Duy lẩm bẩm và trở mình trong đêm. Chiếc đồng hồ tay anh để dưới
gối kêu tích tắc tích tắc đều đặn. Duy lấy ra xem thì đã gần ba giờ sáng.
Anh nhìn ra khung cửa nhỏ. Những vì sao khuya vẫn còn lấp lánh trên
cao. Khu vườn phía dưới thấp tối đen và vang dậy tiếng côn trùng.