vững vị trí. Chiếc xe đầy nhóc ngay. Nó rú ga, vọt tới như một kẻ thoát
thân.
Hữu phải mất hai vòng xe lam và mấy trăm thước đi bộ mới đến được
phòng mạch sang trọng của một ông bác sĩ mà theo lời rao thì ông ta đang
cần một thơ ký.
Hơn tám giờ bác sĩ đến. Một vài người vào, rồi trở ra, đi vội vàng với
một vẻ u buồn hay một nụ cười gượng trên môi. Đến phiên Hữu, bác sĩ hỏi:
- Anh biết đánh máy không?
- Biết.
Bác sĩ chỉ cái máy chữ:
- Anh thử một chút tôi xem.
Hữu ngồi lại bàn. Lóc cóc… Lóc cóc…
- Được rồi, ông bác sĩ hỏi tiếp: anh biết nói tiếng Pháp không?
- Biết. Tôi là sinh viên.
Ông bác sĩ già cười:
- Nhưng mà này, anh có xe gắn máy không?
°
Hữu lại cuốc bộ, lại nhảy lên xe lam đến một địa chỉ khác, tiếp tục
cuộc hành trình thất nghiệp của mình. Anh có trong tay hai cái địa chỉ nữa.
Một tư thục cần giáo sư và một số ngoại kiều cần người dạy tiếng Việt.
Hữu phải mất gần mười lăm phút đi vòng vòng trong hẻm mới tìm ra
được trường trung học nọ. Trường làm anh ngạc nhiên. Trước hết là cái tên,
Trường Việt-Mỹ. Một cái tên anh chưa nghe ai nhắc đến bao giờ thế mà
phía dưới tấm bảng lại đề một câu “Sáng lập năm 1950” tính ra đến nay đã
gần hai mươi năm. Điểm làm Hữu ngạc nhiên nữa là nơi đó không có vẻ gì
là một cái trường mà chỉ là một cái biệt thự lớn, cũ kỹ, tường vôi đã loang
lổ nhiều chỗ, cửa nẻo đã bị mọt ăn hư hao quá nửa và ngoại trừ những cái
cửa lớn, còn tất cả những cửa sổ đều mất cánh. Trường có một cái sân hẹp
trồng vài cây nhãn lồng còm cõi, mái lợp ngói vảy và ở một chái nhà rợp
bóng chim én bay lượn kêu ríu rít quanh hàng trăm cái tổ của chúng.
Trong văn phòng không có ai cả, Hữu ngồi đợi cạnh bàn giấy. Đó là
một cái phòng lớn ăn thông với phía sau. Một lão già mù lòa lần mò đi vào