11 — DŨNG SĨ
VÀO đến trong nhà, có người tiếp đón rồi — người tiếp đón đứng gần đến
nỗi anh nghe cả hơi thở ấm — nhưng đến khi buột mồm nói xong câu nhận
xét đầu tiên, tự mình nghe âm hưởng câu nói của mình, anh mới cảm nhận
thấy thật chắc chắn. Anh hít vào một hơi dài không khí ban đêm của quê
cũ, kinh ngạc thấy nó không giống mùi hương anh hằng ôm ấp trong trí
nhớ. Tháng sáu, nhựa trong lòng cây được cát bãi đun líu ríu suốt ngày bây
giờ mới trào tới quả, men trái căng phồng ứa ra ngoài vỏ thoang thoảng bay
đi. Mùi thơm nóng của chuối, nồng gắt của mít, bập bùng hóa với cái mùi
mằn mặn và đậm của thịt cá nục phơi trong nong nia gác trên các giàn bầu.
Nhưng giờ đây không khí hoàn toàn khác. Chỉ có mùi than tro bắt đầu mốc
ẩm. Vì những trận mưa mùa hè, khi ta hít vào, để lại trên lưỡi ta cái vị nhàn
nhạt của muối gỗ, và cùng lúc dâng lên cổ ta cái cảm giác tức tối của sự trơ
trụi và căm uất.
Anh cán bộ giải phóng thong thả tháo nát miếng vải nhựa dùng làm áo đi
mưa. Một vài giọt nước biển bám vào áo lúc anh chèo thuyền qua vịnh bắn
sang người chị phụ nữ; trong bóng tối, anh thấy chị khẽ vẩy một bàn tày.
— Chị chờ tôi hả? chị biết hôm nay tôi xuống hả?
— Cả xã chờ anh — chị trả lời ngắn ngủi. Nhưng anh cán bộ tinh ý nhận
thấy câu nói ngắn ngủi của chị hàm ý trách móc, hàm ý tự hào, ánh lên một
giọng cười kín đáo. Anh đợi và nghe chị nói thêm liền:
— Cả xã biết thế nào anh cũng về từ hôm bọn Mỹ đền mạng kia. Có người
lên rừng hú ơi hú hỡi hoài mà chẳng thấy anh. Bà con biết thế nào anh cũng
về. Bọn Mỹ đến vứt đền mấy miếng tôn, bà con làm nhà y như cũ liền: nhà
y như cũ, rào y như cũ, đường đi lối lại y như cũ. Như cũ hết, anh thấy đó,
cho các anh khỏi lạc lối mà.
Chị hạ giọng xuống một chút, buồn rầu:
— Hầm hào cũng y như cũ. Mặc dù bà con khổ lắm: dân ruộng dân giã mà
bây giờ phải đong gạo Sài Gòn, cả xã đi củi xe. Anh biết rồi chứ gì?
Anh cán bộ gật đầu: