bặm miệng lại, buồn cười đến chết được: cha đang hì hục cắt làm cho mạ
cái đèn bằng hộp kẹo ho giờ mạ cho con đó. Chỗ cái cột tê, trước khi đi,
cha ngồi bện mé-tré giúp mạ, hồi ấy mạ mới nghén con, con cứ bắt mạ
buồn nôn ngày đến mấy chục lần. Sự có mặt của người chồng tản mác khắp
nơi trong nhà, giống như những chiếc ảnh, vô hình nhưng mà nhìn thấy.
Những chiếc ảnh bình thường im lịm, trong một buổi sáng vui, chợt cử
động, phả quanh người thân một làn hơi ấm nóng.
“Em có xứng với anh không nạ?”
Mười hai năm đã qua, những nét vốn làm anh để ý và yêu quí chị, tất cả
những nét ấy, ở chị, vẫn còn. Người chồng trở về nhà sẽ nhận ra lại ở vợ cái
nết nhí nhảnh chị vốn có hồi mười tám tuổi.
“Run rủi làm sao, chính em lại tìm thấy thằng Cối, chính em bắt được nó.
Cái thằng vốn là bạn hàng xóm của anh hồi nhỏ, võ sĩ vô địch miền Trung,
lúc nào cũng ở trần khoe ngực khoe bắp, vai khuỳnh khuỳnh đấm anh như
đấm vào bao cát cho thằng khác tra đó nạ. Nó đang khư khư khẩu M. 16
chớ, rứa mà em quát ào một tiếng, nó như bị trời trồng. Buồn cười lắm,
chết sững một lúc mới run, cậm cà cậm cập mãi mới lắp bắp được: “Em lạy
bà... em lạy bà”.
“Anh thưởng cho em cái gì đi!”
Chị sè sẹ ngồi xuống giường, choàng lấy cái hơi ấm nóng của con.
Chị khẽ lay vai nó, nói nựng:
— Dào ôi, con chó con của mạ, Đông đánh, Đoài đánh, mà mình cứ ngủ
khì, người ta vô khiêng đi đâu cũng không hay!
Bất giác, chị nói thêm:
— Cha về đây nì!
Những lúc lay mãi con không dậy, chị hay đánh thức con cách đó. Thằng
bé mở choàng liền hai mắt đen như có tuyết, định phương hướng một chặp,
hơi nghển cổ tìm quanh quất, đến lúc ấy mới tỉnh ngủ hẳn, mỉm cười bẽn
lẽn rồi đưa một cánh tay tròn vắt qua cổ chị. “Mạ!” Tiếng reo cật ruột, tợ
một cái quả, rơi rất khẽ trên ngực người mẹ trẻ. Chị húc mũi vào chiếc cổ
thon trắng của con cười khúc khích. Đi đâu một ngày, một buổi, một chặp