ra đi. Những năm tháng trước mặt đầy rẫy khó khăn. Mẹ tôi đã già, thật
không chắc mẹ con rồi còn gặp nhau: ý nghĩ ấy cứ làm tôi ngẩn ngơ hoài.
Không chắc còn gặp nhau nữa mà chia tay trong sự hiểu nhầm, hai mẹ con
đã sống hai cảnh đời khác nhau mà còn xung khắc nữa thì thật buồn. Giá
tôi có thể nói thẳng với mẹ là tôi ở lại, tôi ở lại để tiếp tục chiến đấu bảo
đảm thực hiện hiệp định Giơnevơ, tiếp tục giải phóng miền Nam! Rằng tôi
sẽ vẫn ở không cách xa nhà ta mấy, chỉ trong rặng núi Vĩnh Thạnh kia thôi,
tôi sự thật tham gia lãnh đạo công tác huyện nhà. Con vẫn ở bên cạnh mẹ,
mẹ con chúng ta có thể không gặp nhau nhưng con ở bên cạnh mẹ. Nhưng
tôi không được phép bộc lộ như thế. Về đây, tôi sẽ chỉ nói với mẹ là tôi
chào mẹ lần cuối để ngày mai xuống tàu.
Hai giờ sáng tôi mới về đến nhà. Đêm nay và ngày mai vẫn là giao thời,
ngày kia mới là chế độ “nó”, nhưng tại sao đứng trước nhà tôi, tôi có cái
cảm giác nghẹn ngào như vậy! Mái nhà thân thuộc, nó đây mà sao nó trở
nên hiu quạnh thế, thấp quá thế, trơ trọi thế dưới gốc mấy cây mít già sum
suê, trong khu vườn không đèn đuốc. Mẹ tôi không lên tiếng, ý chừng nghe
ngóng đã, mãi một lúc khi nhận ra tôi rồi mới thấy cái dáng lụm khụm của
bà bước ra. Có lẽ bà lạ lắm, kinh ngạc lắm nên không buột nói câu gì. Có lẽ
là vừa đi vừa nghĩ tại sao tôi lại về. Đáng lẽ cứ đi thẳng thì bà lại đi chéo
qua cái sân, ra mở cổng cho tôi, mười ngón tay răn lóng ngóng mở hoài
mới bật được cái then. Bà ngước mặt nhìn tôi, hai mắt mở to, trong bóng tối
tôi không nhìn thấy con người bà, tôi chỉ thấy hai mắt mở to và im lặng, tôi
hiểu đó là sự kinh hãi, tôi vội vã nói liền:
— Con về chào mẹ ngày mai con đi tập kết.
— Mai? — tôi nghe mẹ tôi như ré lên như thế thoạt tiên, một tiếng độc nhất
— không, không phải bà ré, một sự kinh hoàng nào của linh tính kìm giữ
tiếng kêu lên ngạc nhiên của bà, nhưng mãi mãi trong lòng tôi. Tiếng kêu
lên sợ hãi cho con đó của mẹ tôi để lại một vết xoáy sâu nhọn như một
tiếng ré. Mầy bảo mai? — mẹ tôi giảng giải sự kinh ngạc của mình. Đây
với đấy hai mươi nhăm cây mà giờ này còn ở đây...
— Tức là mười hai giờ đêm mai, mẹ ạ. Ai còn ở trên bờ, mười hai giờ đêm
mai mới phải ra tàu, đó là hạn cuối cùng. Tối ngày mai con đủng đỉnh đi