5 — LÝ SƠN, MÙA TỎI
I
ĐƯỜNG phố Quy Nhơn đầy cát. Không khí nơi ven biển nhẹ và thoáng
mát, nhưng trong lặng lẽ và vô tình, gió đông vẫn thổi những hạt cát từ trên
bãi vọt qua đầu người, vọt qua chợ búa và quán xá, vọt qua những nhà lầu
đúc hai tầng, ba tầng, đến đọng trên mặt những con đường. Nhưng thử ngồi
xuống, lấy tay khỏa, ta chắc chắn tìm thấy một mặt đường rất đen, rất mịn,
ấy là mặt đường nơi quê hương cách đây hai chục năm, ngày ta ra đi. Cũng
như vậy. Vĩnh Thạnh, Trà Bồng, Mỹ Hiệp, Bình Giã, Vạn Tường, Ba Làng
An, Lý Sơn... Hãy khỏa ra, khảy ra những bụi bặm của lãng quên và cuộc
sống bề ngoài rất tất bật của vùng bị chiếm cũ hôm nay vẫn còn rất chạy
vạy vì cơm áo, ta sẽ tìm thấy lại rất rõ những nét mặt của đất nước anh
hùng. Một cái ghế ta ngồi, ở đây cũng phảng phất còn giữ cái hơi nóng của
một người nào đó, bây giờ thanh thiên bạch nhật là cán bộ cách mạng,
trước đây với bao nhọc nhằn và trăm cay nghìn đắng, đóng vai thợ, phu xe,
đầy tớ... Trong cuộc đời hoạt động hai ba chục năm dài, những người này
cũng không nhớ hết với họ từng đi qua, thậm chí họ không nhớ hết các tên
mà họ đã dùng; đối với những ai mong nhớ họ — họ càng trở nên như
những cái bóng khi họ trở về tản mác hòa tan trong các địa phương, nhưng
những cái mà họ làm nên cho mọi người, cái đó đẹp và to lớn biết bao.
Đó là xúc động và suy nghĩ của tôi, chiều hôm ấy, trong buồng khách của
em gái tôi, lần thứ ba tôi có dịp về thăm nhà, trong gần hai năm từ ngày
giải phóng. Hai lần trước, thái độ tôi qua loa, tuy không ít phần thân mật.
Tôi có ít nhiều ý nghĩ không công bằng đối với cô em gái trở nên khá giả,
tuy không phải là tư sản gì, và không kiêu kỳ nhưng tôi cũng không có cử
chỉ gì khiến cho những người như em gái tôi hiểu nhầm rằng tôi tán thành
cuộc sống của họ. Hẳn em tôi cũng có nhận xét điều đó, và cô chịu đựng,
để đến lần thứ ba này, hai năm sau, mới quả quyết được và chỉ cho tôi một
bức ảnh vốn cùng đâu đến hai trăm bức ảnh khác, cái phong cảnh, cái chân