trưởng thành, nhất quyết xin vào bộ đội khi giặc Pháp càng lên thị xã, đi
ngay vào chuyến tàu thứ nhất. Thằng Năm đã hy sinh trên một mặt trận
phía Nam, mất đứa con đó lòng cha như đánh mất một viên ngọc, nhận
được tờ giấy báo tử sờ sờ ở trên tay rồi, làm lễ truy điệu rồi, mấy năm nay
vẫn cứ mong mỏi là không phải. Con Bốn góa chồng, có hai con mọn, lại là
cán bộ, chuẩn bị đi chắc chắn và lặng lẽ, ngày ngày nựng con, ngay trong
nhà ông bà ngoại, khhông giấu giếm nỗi mong ra ngoài kia gặp gia đình
bên nội. Thằng Tám là văn công, ra Bắc năm trước, vừa cùng toàn đoàn trở
lại phục vụ đồng bào khu Năm, đẹp đẽ, giỏi giang, khác hẳn, mang cái hình
ảnh rực rỡ của miền Bắc, làm phấn khởi, xao xuyến, háo hức mọi người ở
đây, nhưng cũng lại ra đi rồi. Còn lại Chánh, cái thằng út ít mười một tuổi
đầu, ban phụ trách Đoàn văn công quân đội cũng mấy lần đến nài ông bà
cho đi để ra ngoài kia đào tạo. Không, trong những ngày chiến thắng, mọi
người đều lấy làm tự hào về những khó khăn, vất vả mình đã trải qua, khó
khăn vất vả biến thành niềm vui tất cả. Người ta đánh giá từng gia đình một
cách giản đơn, bằng số con cái đi kháng chiến, đi tập kết trong nhà. Chính
lòng tự hào đó, niềm vui đó đã làm nhẹ đi rất nhiều nỗi lưu luyến của
những buổi chia tay, và làm cho người ta bình tĩnh, thật bình tĩnh khi chia
tay rồi, thành phố vợi đi. Đáng mừng thật chứ, cho những đứa con: ra ngoài
kia, tương lai chúng không cùng! Nhưng các bố mẹ già ở lại, bên cạnh nỗi
mừng cho con, cho nhà, vẫn có một chút khổ tâm gì như là ghen tị.
Song anh con trai cả ở lại. Khương vốn ít nói, anh nói đâu có một lần: “Chỉ
bộ đội mới phải đi. Còn những người khác không nhất thiết”. Anh chỉ nói
thế thôi đấy, nhưng cha mẹ đã lấy làm vững bụng. Bản thân anh không sửa
soạn gì cả, không có ý kiến gì thu xếp gia đình, như mọi lần anh đi vắng lâu
không về. Ông bà cũng không rõ rồi con sẽ giải quyết đời sống ra sao,
nhưng dường như rồi sau đây, lần đầu, Khương sẽ về nhà ở lâu dài cùng
cha mẹ. Mỗi lần về nhà, Khương chỉ nói niềm vui về những đứa em: “Ra
miền Bắc, sau hai năm về, thằng Sáu sẽ thế này, con Bảy sẽ thế kia, ba má
nghĩ coi, nhà mình mà con cái được vậy có kỳ lạ không?” Kỳ lạ chứ, kỳ lạ
chứ, không cần ai giảng giải, những người già sống mòn trong cái cảnh khổ
nghèo thấy rõ hơn ai hết điều đó. Chính điều đó làm cho họ đủ lòng can