thư lễ phép và vụng về, nhờ bố đưa cho Đoàn văn công quân đội nếu có
người đến hỏi.
Chị Ba. Trong mọi gia đình, vẫn hay có một người con hướng đi trong đời
khác hẳn các anh, em. Có phải người đó thường là con gái lớn không, yên
phận, tần tảo, thực tế như mẹ, không có tham vọng gì cao xa. Quý, em kề
Khương, là một người đàn bà như thế. Đức, chồng chị, mở hiệu ảnh ở Đập
Đá. Hòa bình lập lại, phim thuốc mua được dễ hơn, người ở người đi đều
cần một chiếc ảnh lưu niệm. Đức làm việc đó gầy rộc đi nhưng chẳng mấy
chốc có được một ít tiền. Ông cha vợ xin giúp được một lô đất ở sát ngã tư
phố, vốn là một khoảnh nền nhà ngân hàng Pháp — Hoa cũ, Đức gửi tiền
về nhờ ông trông nom xây cho một căn nhà gạch: khi việc chuyển quân
hoàn thành, hiệu ảnh ở Đập Đá dời về đó. Suốt đời Đức chỉ có một mơ ước:
trở nên chủ một hiệu ảnh lớn. Đức bận tíu tít. Biết mình không có đủ tiêu
chuẩn đưa cả gia đình ra Bắc, Đức cũng không băn khoăn gì nhiều. “Các
em cứ yên tâm mà đi — anh viết cho Bốn, Sáu, Bảy... như vậy. — Ba má sẽ
về sống với anh chị, trông nom hàng họ cho anh chị, chẳng phải làm gì đâu.
Ông bà đã già rồi, để cho ông bà an dưỡng”. Quý cũng biết ý định của Đức
về Chánh. Nó sẽ học nghề và phụ việc ở nhà, rửa, in, chụp — đi học chữ
làm gì nữa. Một dự định sắp xếp như vậy, Quý thấy lờ mờ không lấy gì làm
hợp lắm với sở thích chung của nhà. Nhưng Quý không dám cưỡng lại ý
chồng: từ những ngày cùng khổ đầu kháng chiến, có khi chồng đi trước
xách một nồi đồng chè đậu xanh, vợ bưng một rổ bát theo sau, lội hết các
chợ vùng quê, được như ngày nay, không phải ăn bữa sáng lo bữa chiều, ấy
là nhờ lòng kiên nhẫn và tháo vát của Đức cả. Quý vẫn thương anh cả, phục
anh, nhưng nhiều lúc nghĩ có lẽ Khương không thực tế bằng Đức thật. Các
thứ vật liệu lúc bấy giờ giá rất rẻ. Với tiền dành dụm được, Đức mua thêm
máy chụp, máy phóng, phim, giấy, sắp sẵn mọi việc một cách chắc chắn, có
ý định sẽ phân việc nào cho người nào ở trong nhà, sửa soạn để làm ông
chủ. Sắp xếp cho bố mẹ vợ, cho em vợ một đời sống phụ thuộc vào anh,
vào đời sống sẽ qui mô của anh như vậy, anh tin một cách thành thật là
không có con đường nào khác. “Ông bà già cũng đã đến tuổi cần được nghỉ
ngơi. Trong nom công việc nhà, chơi với các cháu, thế thôi, các em không