dù chỉ với giá vài cent, khi vãn chợ bị ném ra bờ đá ngoài biển. Ở
đó, những đoàn chó hoang luôn rình mò sẽ ăn thịt họ. Ngược lại,
những người đôi khi có thể lại sức, khỏi bệnh, thì ở lại Zanzibar
và sẽ làm việc như nô lệ cho người Ả rập - chủ nhân các đồn điền
đinh hương và dừa mênh mông. Nhiều hậu duệ của các nô lệ
này về sau sẽ tham gia cách mạng.
Sáng sớm tinh mơ, khi làn gió từ biển thổi vào còn mạnh và
tương đối mát, tôi đi vào thành phố. Có hai thanh niên mang
rựa đi sát sau tôi. Bảo vệ? Lính canh? Cảnh sát? Tôi không thử
bắt chuyện với họ. Những cái rựa đơn sơ và thảm hại họ mang
rõ ràng đang gây khó khăn cho họ. Mang chúng thế nào? Một
cách kiêu hãnh, hung hăng hay rụt rè và kín đáo? Trước kia rựa
là công cụ của người lao động, của kẻ cùng đinh, là dấu hiệu của
địa vị thấp, vậy mà chỉ trong vài ngày đã trở thành biểu tượng
của thanh thế và quyền lực. Ai mang nó bên mình chắc hẳn
thuộc tầng lớp chiến thắng, vì những kẻ bại trận thì đi tay
không, không vũ khí.
Ra khỏi khách sạn là gặp ngay các con phố nhỏ hẹp đặc trưng
của các thành phố Ả rập. Tôi không thể giải thích được tại sao họ
lại xây nhà theo lối chật chội và chen chúc như thế, họ tự nhồi
nhét chật đến mức người này phải ngự lên đầu người kia. Để
không đi ra đâu quá xa? Để bảo vệ thành phố dễ dàng hơn? Tôi
không biết. Mặt khác, cái đống đá chồng chất vào một chỗ ấy,
những bức tường gom góp lại ấy, các tầng tầng lớp lớp lan can,
hốc, hiên và mái nhà ấy cho phép người ta giữ lại và bảo quản -
như giữ trong kho lạnh - bóng râm, cũng như một chút hơi mát
và gió trong những giờ nóng nực nhất vào buổi trưa.
Các đường phố được xây dựng với tầm nhìn xa và sự sáng tạo
tương tự. Chúng được đặt và bố trí theo cách sao cho đi đường
nào và theo hướng nào, cuối cùng cũng đến bờ biển, ra một đại