nhìn những người đàn ông ngấu nghiến hết miếng này đến
miếng khác. Ở đây, lượng thức ăn nào cũng biến mất ngay
không dấu vết. Người ta ăn tất cả những gì có được, đến tận mẩu
cuối cùng. Chẳng ai có chút đồ để dành, thậm chí họ cũng
không có chỗ mà cất chúng. Người ta sống tức thời, cho khoảnh
khắc hiện tại. Mỗi ngày đều là một trở ngại khó vượt qua. Trí
tưởng tượng không vươn xa hơn ngày hôm nay, không đặt kế
hoạch, không mơ ước.
Ai có một si-linh thì đi ra quán. Đầy quán xá trong các hẻm
phố, trên các ngã tư, quảng trường. Đôi khi đó là những chốn tồi
tàn, tường ghép bằng những tấm tôn lượn sóng, thay cho cánh
cửa là tấm rèm vải. Vậy nhưng ta phải cảm thấy như mình đang
bước vào khu vui chơi giải trí, như đang ở trong cuộc hội hè.
Tiếng nhạc phát ra từ chiếc đài cũ, một bóng đèn đỏ treo trên
trần nhà. Trên tường treo ảnh các nữ diễn viên bóng nhoáng cắt
từ họa báo. Sau quầy thường có một ma đam to béo phốp pháp
đang đứng - đó là bà chủ. Bà bán thứ duy nhất có trong một cái
quán như thế này - bia nấu theo kiểu gia truyền. Có nhiều loại
bia - bia chuối hoặc ngô, dưa, dừa. Thông thường, mỗi bà
chuyên nấu một loại bia riêng. Một cốc đồ uống như vậy có ba
ưu điểm: a) có chất cồn, b) vì là chất lỏng, nên nó giải khát và c)
bởi thứ dung dịch này đặc lại dưới đáy cốc, nó trở thành thức ăn
thế phẩm cho kẻ đói lòng. Do đó, nếu ai trong ngày chỉ kiếm
được một si-linh - nhiều khả năng nhất là anh ta sẽ ra quán.
Hiếm có ai sống lâu dài trong hẻm phố của tôi. Những người
qua chốn này là đám dân nay đây mai đó muôn đời của đô thị,
những người lang thang lạc lối trong mê cung hỗn độn và bụi
bặm của các đường phố. Họ chuyển đi rất nhanh và biến mất
không một dấu vết, bởi thực ra họ chẳng có gì hết. Họ tiếp tục
lên đường vì bị ảo vọng của bất kỳ công việc nào đó lôi cuốn,
hoặc họ sợ bệnh dịch đột nhiên vừa bùng phát trong hẻm, hoặc