GỖ MUN - Trang 148

Lalibela, 1975

Miền Trung Ethiopia là một cao nguyên rộng lớn bị vô số hẻm

núi và thung lũng cắt ngang. Vào mùa mưa, các con sông nước
xiết hung hãn chảy qua dưới đáy những khe sâu này. Trong các
tháng hè, một số sông cạn đi và biến mất, lộ ra đáy sông khô nứt
nẻ, nơi gió cuốn lên những đám bụi bùn đen đã bị mặt trời hong
khô. Trên cao nguyên, chỗ này chỗ kia mọc lên những ngọn núi
cao tới ba nghìn mét, song chúng chẳng gợi nhớ chút gì đến
những ngọn núi granit tuyết phủ của dãy Alpơ, Andes hay
Cacpat. Đó là những ngọn núi đá màu nâu hoặc màu đồng đã bị
xói mòn, trên đỉnh bằng và phẳng đến mức có thể dùng làm sân
bay tự nhiên. Khi bay máy bay bên trên, người ta nhìn thấy
những túp lều vách đất tồi tàn, không có điện và nước. Câu hỏi
được đặt ra ngay: người dân ở đó sống ra sao? sống bằng gì? Họ
ăn gì? Vì sao họ ở đó? Ở những nơi như thế, vào buổi trưa, mặt
đất hẳn phải nóng như than hồng, đốt cháy bàn chân, biến tất
cả thành tro. Ai đày họ đến nơi chót vót và rùng rợn như thế?
Tại sao? Vì lỗi lầm gì? Tôi chưa bao giờ có dịp leo lên những nơi ở
hiu quạnh ấy tìm lời giải đáp. Cũng không có ai ở đây, trên cao
nguyên này, có thể nói cho tôi điều gì đó về họ. Những người
khốn khổ trên cao chót vót ấy vất vưởng đâu đó bên lề nhân
loại, họ sinh ra chẳng ai để ý và biến mất - hẳn là rất nhanh -
như những sinh vật vô danh không ai biết tới. Nhưng ngay cả số
phận của những người sống dưới chân núi cũng chẳng nhẹ
nhàng và tốt đẹp gì hơn.

- Đi Wollo ấy - Teferi nói - đi Haragwe đi. Ở đây anh không

xem được gì đâu. Còn ở đó anh sẽ thấy tất cả.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.