dường như chẳng có lý do gì để nghi ngờ họ, nhất là khi những
lời tiên tri lại nghe có vẻ hấp dẫn đến thế.
Nhưng mọi chuyện lại xảy ra khác hẳn. Trong các quốc gia
mới của châu Phi, cuộc chiến giành quyền lực nổ ra, ở đó người
ta sử dụng tất cả mọi thứ: các mâu thuẫn bộ lạc và sắc tộc, sức
mạnh quân đội, tham nhũng, giết người. Đồng thời, các quốc gia
này tỏ ra yếu kém, không có năng lực thực hiện những chức
năng căn bản của mình. Và tất cả những điều này xảy ra trong
điều kiện khi trên thế giới đang diễn ra chiến tranh lạnh.
Phương Đông và phương Tây cũng đem cả cuộc chiến này đến
các vùng châu Phi. Một trong các đặc tính của nó là sự phớt lờ
hoàn toàn các khó khăn và lợi ích của các nước yếu, lệ thuộc, coi
các vấn đề và bi kịch của các nước này chỉ đơn thuần là chức
năng của các lợi ích cường quốc, không cho chúng bất cứ một ý
nghĩa và sức nặng độc lập nào. Điều này kết hợp với sự ngạo
mạn dĩ Âu vi trung truyền thống đối với các nền văn hóa và các
cộng đồng phi da trắng. Cũng bởi thế, mỗi lần tôi từ châu Phi trở
về, người ta không hỏi tôi: “Người Tanzania ở Tanzania ra sao?”,
mà họ hỏi: “Người Nga ở Tanzania thế nào?”. Thay vì hỏi về
người Liberia ở Liberia, họ hỏi: “Thế người Mỹ ở Liberia ra sao?”
(Tuy vậy, điều này dù sao vẫn còn tốt hơn trường hợp nhà du
hành người Đức H.c. Buch, người đã than phiền với tôi rằng sau
chuyến thám hiểm gian khổ đến những cộng đồng xa xôi nhất
của châu Đại Dương ông chỉ luôn luôn nghe thấy một câu hỏi:
“Thế anh ăn gì ở đó?” Không gì có thể làm người châu Phi tổn
thương hơn là cách đối xử với họ như đồ vật ấy. Họ nhìn điều đó
như sự sỉ nhục, hạ thấp, như một cái tát.
Teferi là chủ một hãng vận chuyển. Anh có vài cái xe tải,
những chiếc xe Bedford đã tã và long sòng sọc được dùng để chở
bông, cà phê và da. Những chiếc xe này đi đến cả Wollo lẫn
Haragwe nên anh đồng ý cho tôi đi cùng với các tài xế của anh.